Thực trạng bệnh lý suy tim tại Việt Nam và thế giới
Suy tim ngày càng phổ biến và trở thành vấn đề sức khỏe toàn cầu vì những ảnh hưởng nặng nề lên cuộc sống của bệnh nhân cũng như toàn xã hội. Ước tính hiện có 64,3 triệu người mắc bệnh suy tim trên toàn thế giới và con số này vẫn không ngừng gia tăng. Tại các nước phát triển, cứ mỗi 5 người thì sẽ có 1 người mắc suy tim. Hiện Việt Nam chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng ước tính có khoảng 320.000 đến 1,6 triệu người mắc suy tim cần chăm sóc và điều trị.
Hiện nay, mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị suy tim nhưng dự hậu của suy tim vẫn không mấy khả quan. Người bệnh suy tim thường xuyên phải nhập viện vì những đợt suy tim cấp, và khoảng 4-7% bệnh nhân tử vong trong thời gian nằm viện. Tỷ lệ tử vong sau khi xuất viện trong vòng 30 ngày là khoảng 10% và khoảng 20% sau 1 năm. Tỷ lệ tử vong sau 5 năm do suy tim gần 50%, thậm chí còn cao hơn tử vong do một số bệnh ung thư phổ biến.
Chi phí xã hội dành cho suy tim khá lớn, thậm chí chiếm đến 1-2% tổng ngân sách dành cho chương trình chăm sóc sức khỏe của quốc gia. Khoảng 2/3 chi phí dành cho điều trị nội trú, chi phí này còn cao hơn nhiều ở các bệnh nhân suy tim nặng. Chi phí điều trị cho một bệnh nhân suy tim NYHA IV cao gấp 8-30 lần so với chi phí cho một bệnh nhân suy tim NYHA II. Chi phí dành cho suy tim nói riêng và các bệnh lý tim mạch nói chung, cao hơn so với đái tháo đường và sa sút trí tuệ.
Mục tiêu của điều trị suy tim bao gồm cải thiện triệu chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm tình trạng nhập viện nhiều lần, và giảm tỷ lệ tử vong. Để đạt được những mục tiêu trên, không những cần bác sĩ và điều dưỡng trong công tác điều trị, chăm sóc; mà còn cần sự phối hợp giữa các chuyên khoa có liên quan và sự hợp tác của người bệnh cũng như gia đình trong việc theo dõi chăm sóc tại nhà.
Hợp tác đào tạo điều dưỡng giữa Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM và Novartis
Nhận thấy vai trò vô cùng quan trọng của Điều dưỡng trong Chương trình Quản lý Suy tim, và việc cần thiết đào tạo, chuẩn hóa kiến thức cho đội ngũ này, ngay từ những ngày đầu của chương trình, Novartis đã tập trung vào việc phối hợp với các bệnh viện, hội chuyên ngành thực hiện các hoạt động đào tạo tại chỗ và tổ chức các lớp tập huấn tập trung cho lực lượng điều dưỡng. Thông qua đó, các điều dưỡng được nâng cao kiến thức, kỹ năng tư vấn, chăm sóc và theo dõi người bệnh.
Tháng 5 vừa qua, Công ty Novartis đã phối hợp với Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM triển khai Chương trình Đào tạo Y khoa trực tuyến cho các điều dưỡng đang làm việc tại các khoa tim mạch trên toàn quốc. Đây là đào tạo cơ bản nhằm cung cấp các kiến thức cốt lõi nhất để các điều dưỡng có thể tự tin thực hành tư vấn trên lâm sàng, giúp quản lý bệnh nhân suy tim một cách hiệu quả. Chương trình diễn ra trong 2 buổi với hơn 1.400 lượt tham dự từ các bác sĩ, điều dưỡng trên toàn quốc. Điều đó cho thấy sự quan tâm của các nhân viên y tế nói chung đối với Chương trình Quản lý Suy tim cũng như nhu cầu không hề nhỏ được học tập chuyên sâu về suy tim của điều dưỡng tại các bệnh viện đa khoa hay chuyên khoa trong cả nước.
Novartis và Chương trình Quản lý Suy tim
Từ năm 2018, Novartis triển khai Chương trình Quản lý Suy tim tại Việt Nam. Đặc biệt, các chương trình quan sát thực địa tại các quốc gia trong khu vực đã được triển khai nhằm học hỏi mô hình Quản lý Suy tim ở các nước và đào tạo đội ngũ hạt nhân của chương trình ở các bệnh viện trong nước. Trong đó, có nhiều chương trình đào tạo dành riêng cho đội ngũ điều dưỡng nhằm nâng cao trình độ điều dưỡng Việt Nam ngang tầm với các nước trong khu vực trong lĩnh vực chăm sóc bệnh nhân suy tim.
Đầu năm 2020, Novartis chính thức thành lập nhóm dự án chuyên trách nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai mô hình Quản lý Suy tim ở nhiều bệnh viện như Bệnh viện Tim Hà Nội, Viện Tim TPHCM, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Quận 2 (nay là Bệnh viện Lê Văn Thịnh), Bệnh viện Trường Đại học Y dược Huế, Bệnh viện Tim mạch An Giang, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai... Đến nay, đã có gần 20 bệnh viện trên toàn quốc thí điểm áp dụng bảng kiểm nhằm tối ưu hóa điều trị cho bệnh nhân suy tim.
Bà Rachel O’neale, Giám đốc khối Dược phẩm phát minh của Novartis, cho biết: Trước thực trạng số lượng bệnh nhân suy tim đang ngày càng gia tăng, chúng tôi kỳ vọng chương trình Quản Lý Suy Tim sẽ là một giải pháp giúp hệ thống y tế giảm bớt gánh nặng thông qua việc cập nhật những thông tin, phương pháp điều trị mới nhất cho đội ngũ y bác sĩ. Từ đó ứng dụng vào thực hành nghiên cứu lâm sàng để cải thiện kết quả điều trị, đáp ứng nhu cầu của người bệnh tốt hơn.
Chương trình dự kiến được triển khai trên khắp các tỉnh thành với mong muốn các bệnh nhân suy tim trên toàn quốc đều có thể được tiếp cận với điều trị và quản lý toàn diện nhằm mang lại chất lượng cuộc sống tốt nhất cho bệnh nhân tại Việt Nam.