Thờ ơ
Từ năm 2001, ngày 2-7 hàng năm được chọn là Ngày UFO thế giới. Đây là sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều tín đồ cuồng nhiệt về “người ngoài hành tinh” và được công nhận trên toàn cầu với các cuộc diễu hành, thảo luận khoa học. Sở dĩ chọn ngày 2-7 vì cũng ngày này vào năm 1947, thế giới phát hiện UFO đầu tiên ở Roswell, bang New Mexico (Mỹ). Theo một cuộc thăm dò của Trung tâm nghiên cứu Pew, 65% người Mỹ tin rằng người ngoài hành tinh tồn tại.
Đến năm 1975, trả lời cho câu hỏi khảo sát: liệu UFO có “xứng đáng được nghiên cứu khoa học nghiêm túc hay không” đặt ra cho hơn 1.300 nhà thiên văn học, có tới 80% số người được hỏi trả lời “chắc chắn”, “có lẽ” hoặc “có thể”. J. Allen Hynek, nhà thiên văn học nổi tiếng và là nhà tư vấn khoa học cho lực lượng Không quân Mỹ đã phân tích UFO suốt 20 năm. Theo ông, sự thờ ơ nói chung (về UFO) của các nhà khoa học là do thiếu thông tin về chủ đề này.
Chính vì vậy, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) và nhiều cơ quan nghiên cứu chính thức của Mỹ gần như ngừng các cuộc tìm kiếm có hệ thống về khả năng tồn tại các nền văn minh ngoài hành tinh do ngành lập pháp và dư luận phản đối vì quá tốn kém. Thay vào đó, họ chuyển trọng tâm vào đặc tính kỹ thuật của UFO. Các nghiên cứu sự sống ngoài Trái đất chủ yếu là những nỗ lực được tư nhân tài trợ.
Theo các nhà phân tích tình báo, một số vật thể dường như thể hiện “đặc điểm bay hoặc khả năng hoạt động bất thường”. Nhiều UFO dường như vẫn đứng yên trong gió, di chuyển ngược chiều gió, đột ngột đổi hướng hoặc di chuyển với tốc độ đáng kể mà không có phương tiện đẩy rõ ràng. Những trường hợp như vậy, Chính phủ Mỹ “yêu cầu phân tích thêm”. Các báo cáo về UFO cho thấy, rõ ràng rằng các phi công chiến đấu thường bị choáng váng và bực tức trong những cuộc chạm trán như vậy với UFO.
Điều thú vị là các quan chức Mỹ rất tin tưởng rằng các vật thể mà các phi công quân sự quan sát được không phải là bí mật của Mỹ. Đồng thời, các nhà phân tích không có bằng chứng nào cho thấy các cuộc chạm trán “là dấu hiệu cho thấy một bước tiến công nghệ lớn của một đối thủ tiềm tàng” như Trung Quốc hay Nga. Thậm chí, vào những năm chiến tranh lạnh, Chính phủ Mỹ áp dụng chính sách bán chính thức mang tính “vạch trần” nhằm làm mất uy tín các vụ nhìn thấy UFO. Các nhà phân tích nhanh chóng áp đặt những lời giải thích “vô lý”, “phi khoa học” cho những cuộc chạm trán.
Hình ảnh 1 UFO từ video do Bộ Quốc phòng Mỹ cung cấp từ năm 2015 |
UFO lại nóng ở Mỹ
Năm 2022, Bộ Quốc phòng Mỹ đã mở Văn phòng giải quyết bất thường tập trung vào việc tiếp nhận và phân tích tất cả các báo cáo về các hiện tượng UFO, trong đó có nhiều báo cáo về UFO từ các phi công quân sự. Vào tháng 12-2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật Ủy quyền quốc phòng 2023 (NDAA), bao gồm các điều khoản sâu rộng về UFO. Ngoài việc củng cố một văn phòng UFO mới đầy quyền lực, luật định nghĩa lại “UFO” là “hiện tượng dị thường không xác định” (UAP) để giải thích cho các vật thể không xác định di chuyển trong không khí, nước và không gian.
Hơn nữa, luật mới chỉ đạo Bộ Quốc phòng thiết lập một cơ chế an toàn cho các cá nhân có liên quan đến chính phủ để báo cáo thông tin liên quan đến UAP. Đạo luật dường như nhằm mục đích giải quyết tận gốc những tin đồn lâu nay rằng các chương trình phân tích UFO “cũ” có thể đã bị Quốc hội giữ lại một cách bất hợp pháp. NDAA 2023 cũng bắt buộc Chính phủ Mỹ tham gia vào hiện tượng UFO. Trong số đó, Lầu Năm góc và các cơ quan tình báo phải minh bạch về “bất kỳ nỗ lực nào nhằm làm xáo trộn, thao túng dư luận, che giấu hoặc cung cấp thông tin mật, hoặc chưa được phân loại không chính xác về UAP”.
Đầu năm 2023, Hạ viện Mỹ đã tổ chức một phiên điều trần về UFO và các quan chức Lầu Năm góc đã làm chứng về các báo cáo quân sự liên quan đến hiện tượng không giải thích được, bao gồm một vật thể hình cầu phản chiếu đang lao nhanh qua một máy bay chiến đấu. Trước đó, Lầu Năm góc có chương trình Nhận dạng mối đe dọa hàng không vũ trụ, nhưng đã ngừng vào năm 2012. Đến năm 2021, cơ quan này tuyên bố sẽ thành lập một lực lượng đặc nhiệm mới để xem xét UFO.
Bên cạnh đó, NASA đang tài trợ cho dự án nghiên cứu UFO nhằm cố gắng tìm ra lời giải khoa học nhất. Nhóm 16 thành viên NASA dồn “toàn lực” với nghiên cứu khoa học về UFO, tập trung vào việc xác định dữ liệu có sẵn, cách thu thập dữ liệu trong tương lai một cách tốt nhất và cách NASA có thể sử dụng những dữ liệu này để nâng cao hiểu biết khoa học về UFO. Nỗ lực của NASA sẽ độc lập với Lầu Năm góc và do ông David Spergel, nhà vật lý thiên văn, hiện là Chủ tịch của Quỹ Simons ở New York dẫn đầu.
Đồng thời, nhà thiên văn học Avi Loeb ở Đại học Harvard đã khởi động Dự án Galileo, thu hút một nhóm học giả đa ngành để đánh giá một cách khoa học UFO. Nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng Michio Kaku đã công khai nói về UFO, trong khi ông Garry Nolan của Đại học Stanford cũng đang tiến hành nghiên cứu tiên tiến liên quan đến UFO. Theo báo chí Mỹ, hiện tượng UFO xuất hiện thường xuyên hơn ở Mỹ đã giúp tìm ra tiếng nói chung giữa ngành lập pháp và hành pháp ở Mỹ.
Một vật thể bay không xác định kỳ lạ dường như phát sáng màu xanh lá cây đã được phát hiện gần Hockley, phía Đông nước Anh ngày 9-2. Các UFO cũng đã được ghi nhận ở Big Ben, Stonehenge và Bonnybridge ở Scotland, cùng thuộc Vương quốc Anh. Tương tự, ngày 12-2, lực lượng Không quân Uruguay đang tiến hành một cuộc điều tra về UFO ở Termas de Almirón. Một số người tin rằng, những cảnh tượng này có thể là bằng chứng về sự sống ngoài Trái đất, trong khi những người khác cho rằng chúng có thể là công nghệ quân sự tiên tiến hoặc hiện tượng tự nhiên.