Nhưng vốn là tỉnh biên giới, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống (chiếm 19,67% dân số ) nên nguồn lực vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là các xã vùng sâu nên cần tiếp tục được đầu tư để đạt các tiêu chí NTM. Chị Chu Thị Hiển (ngụ ấp Bù Xăng, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú) cho biết, trước đây nhà văn hóa của ấp rất đơn sơ, nhếch nhác, nhưng nhờ sự hưởng ứng của người dân, nay đã được xây dựng khang trang, hiện đại.
Chị Hiển tự nhủ phải có trách nhiệm tham gia các hoạt động xã hội, tích cực đóng góp để xây dựng hạ tầng cơ sở bởi các công trình cũng chỉ hướng đến phục vụ cho người dân. Nhờ nguồn lực đầu tư của ngân sách nhà nước và sự hưởng ứng tích cực của người dân giúp hệ thống các trường học, đường giao thông được xây dựng đạt chuẩn, diện mạo các khu dân cư đổi thay rõ nét.
Trong đó, địa phương luôn phát huy vai trò nội lực của người dân, bởi người dân vừa là chủ thể vừa là đối tượng thụ hưởng. Chỉ tính từ năm 2022 đến nay, người dân ở địa phương đã đóng góp xây dựng các công trình NTM với kinh phí gần 5 tỷ đồng.
Những năm qua, Trung đoàn 717, Binh đoàn 16 được xem là “bà đỡ” cho bà con nghèo, nhất là với các hộ dân tộc thiểu số khó khăn ở huyện biên giới Bù Đốp. Sau 24 năm xây dựng và phát triển, đến nay Trung đoàn 717 đã quy hoạch, sắp xếp ổn định 11 cụm dân cư dọc tuyến biên giới gắn với thế trận phòng thủ của địa phương; tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động, hộ nhận khoán, trong đó có hơn 400 hộ dân tộc thiểu số. Đồng thời xây dựng 140km đường giao thông nội vùng, 52km đường nhựa, đường bê tông, 28km đường điện trung thế, hạ thế... góp phần phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
Đến nay, toàn tỉnh Bình Phước có 73/86 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có 21 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và trong những năm gần đây, mỗi năm người dân đóng góp đối ứng khoảng 100 tỷ đồng cùng Nhà nước xây dựng NTM. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, mặc dù đạt nhiều kết quả nổi bật nhưng tỉnh vẫn còn 13/86 xã chưa hoàn thành các tiêu chí NTM.
Đây là các xã vùng sâu vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nên nhu cầu kinh phí trong xây dựng NTM rất lớn; phần lớn dân cư nông thôn sinh sống bằng nghề nông nhưng sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa thực sự bền vững, vẫn phụ thuộc vào tự nhiên, mùa vụ và giá cả thị trường; việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn chậm; thị trường tiêu thụ nông sản thiếu bền vững.
Nhìn chung, nguồn ngân sách đầu tư cho NTM vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế và khả năng đóng góp của nhân dân còn hạn chế nên việc huy động các nguồn lực vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu còn thấp, nhất là việc huy động nguồn lực của doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn rất khiêm tốn; chưa huy động được nguồn vốn tín dụng và phát huy nội lực của địa phương về tạo nguồn xây dựng NTM.
Để chương trình xây dựng NTM đi vào chiều sâu, Bình Phước cần lựa chọn nội dung trọng tâm, trọng điểm, gắn với lợi ích thiết thực của người dân, cộng đồng và kiên trì tổ chức thực hiện. Đặc biệt, cần xây dựng các mô hình, điển hình tốt, thuyết phục để nhân rộng và yếu tố quan trọng là phải biết “giữ lửa” phong trào xây dựng NTM.