Đề nghị Quốc hội đưa Luật đất đai sửa đổi vào chương trình năm 2021
Đối với Chương trình xây dựng luật năm 2020, Chính phủ đề nghị đưa ra khỏi chương trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; nếu kịp thì cho bổ sung vào Chương trình năm 2021 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10-2021).
Thảo luận về điều này, các ý kiến ĐBQH đều nêu rằng, Luật Đất đai sửa đổi là một đạo luật rất quan trọng đáp ứng cho cả doanh nghiệp và cho cả người dân. Có thể nói, hơn 70%, 80%, thậm chí 90% tranh chấp, xung đột hiện nay trong xã hội là do vấn đề đất đai. Đây chính là luật đáp ứng về yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo kể cả quốc phòng, an ninh của đất nước.
ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai đưa vào, rút ra và đến nay chưa thấy rõ kế hoạch đưa vào lại. Trong khi nhiều bất cập về vấn đề đất đai, quản lý đất đai, gây nhiều bức xúc cho nhân dân, khoảng 70% khiếu kiện là liên quan đến đất đai, trong đó có nguyên nhân liên quan đến Luật Đất đai. ĐBQH và cử tri mong mỏi có một đạo luật đất đai chất lượng để chính quyền địa phương quản lý đất đai hiệu quả, người dân chấp hành pháp luật về đất đai tốt hơn, bảo đảm quyền lợi của người dân. Vì thế, tha thiết đề nghị Quốc hội đưa Luật Đất đai sửa đổi vào chương trình năm 2021.
ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cũng cho rằng, Luật Đất đai chậm nhất năm 2021 phải trình ra Quốc hội. Nếu để chậm nữa sẽ ảnh hưởng đến việc điều hành, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và việc giữ vững trật tự, an toàn xã hội trong thời gian sắp tới. ĐB đề nghị làm rõ trách nhiệm và báo cáo rõ nguyên nhân chậm của việc ban hành dự án luật này.
ĐB Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, chúng ta “sống trên đất, chết vùi trong đất”, nhưng hệ thống pháp luật đất đai còn nhiều điểm bất hợp lý, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển. Đây là một trong những cản trở lớn nhất cho việc huy động nguồn lực phát triển. Bởi bất cứ một công trình nào, một dự án nào cũng đều phải có yêu cầu về tiếp cận đất đai, mà tiếp cận đất đai đang là trở ngại khó khăn hàng đầu. Đẩy nhanh việc sửa đổi Luật Đất đai phải là một nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội. Đây là luật nền tảng, rất quan trọng cần đẩy nhanh chứ không lùi lại. Dù rất nhạy cảm, rất khó khăn nhưng chúng ta phải đối đầu với thực tiễn, và phải giải quyết yêu cầu của thực tiễn, phải đặt trọng tâm và phải làm với tinh thần quyết liệt nhất dự luật này.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cũng nêu, ngày 14-6-2019, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 82, trong đó yêu cầu hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.
“Phải làm sao để Luật Đất đai sớm được hoàn chỉnh. Nếu chờ cho đến hết năm 2021 thì quá lâu, đề nghị Quốc hội có thể ban hành một nghị quyết để điều chỉnh ngay những tắc nghẽn của Luật Đất đai”, ĐB Trần Hoàng Ngân nói.
Theo ông, việc triển khai các dự án hiện nay tắc là do Luật Đất đai, khiếu kiện của dân cũng bị vướng là ở Luật Đất đai, cùng với đó là giải phóng mặt bằng, xây dựng, sửa chữa nhà của dân. Từ những bức xúc đó và những kiến nghị của cử tri, ĐB đề nghị sớm có quy định hoặc có một nghị quyết để điều chỉnh ngay những bức xúc còn vướng trong Luật Đất đai.
Phải rõ được thời điểm nào sẽ xem xét sửa luật Đất đai
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn đồng ý rút dự án Luật Đất đai để Chính phủ tổng kết toàn diện, kết hợp với văn kiện đại hội Đảng toàn quốc thông qua vào tháng 5-2021, lúc đó sẽ sửa một cách toàn diện dự án Luật Đất đai. Ủy ban Kinh tế theo dõi thì nhiều nội dung trong Luật Đất đai không phải là vướng từ luật mà vướng từ thực tế, nên phải rà soát những vấn đề nào vướng trong luật, những vấn đề nào trong triển khai thực hiện.
Hiện nay, Bộ Chính trị đã có Kết luận 36 về một số nội dung cần xử lý trong dự án Luật Đất đai để giải quyết, như tập trung tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ giao cho bộ ngành có liên quan triển khai các kết luận này để xử lý.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cũng đồng ý cần phải rút Luật Đất đai ra khỏi chương trình xây dựng pháp luật 2020, vì sự chuẩn bị chưa đảm bảo để trình Quốc hội, chứ không phải là không cần thiết sửa Luật Đất đai.
Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, việc thực thi Luật Đất đai phải gắn và đồng bộ với một số luật khác, như Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng. Sửa Luật Đất đai cũng phải đồng bộ với các luật này để khi thực thi sẽ bớt chồng chéo, vướng mắc, những khó khăn và lỗ hổng về pháp luật, phải đồng bộ và hài hòa với lợi ích của người dân và người sử dụng, cũng như tổ chức sử dụng đất.
Hiện nay quá nhiều những bất cập. Người dân và các tổ chức, những người sử dụng đất sẵn sàng ủng hộ quy hoạch của chính quyền, ủng hộ quyết định thu hồi đất nhưng đến khi thu hồi đất thì xảy ra chuyện tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, bức xúc trong các tầng lớp nhân dân. Đây là độ vênh pháp luật giữa các luật, cũng như những quy định của pháp luật so với yêu cầu của thực tiễn, giữa công tác quản lý nhà nước với quyền và lợi ích hợp pháp của người dân cũng như trong công tác xây dựng, quy hoạch.
“Người dân ta nói rằng khi có quy hoạch giống như là một án treo đối với họ. Do đó, sửa Luật phải đồng bộ cả về đất đai, quy hoạch, xây dựng”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.
Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, vấn đề này cần phải nhìn nhận một cách có trách nhiệm của ĐBQH. Trước đây, ĐB đã bấm nút để đưa Luật Đất đai vào trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; bây giờ có bấm nút để rút ra hay không cũng phải có lý lẽ thuyết phục và có trách nhiệm. Mặt khác, Quốc hội cũng phải rõ được thời điểm nào sẽ xem xét sửa luật Đất đai, không được nói chung chung.
Giải trình lại các ý kiến, đồng chí Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, Luật Đất đai hết sức khó, Chính phủ đã nâng lên đặt xuống ít nhất 2 lần: 2 lần xin đưa vào rồi xin rút ra, sau đó đề xuất sẽ có một nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xử lý một số các vấn đề vướng mắc, bức xúc.
Xin tiếp thu các ý kiến bức xúc và phê bình của các ĐBQH, Bộ trưởng cũng cho rằng nguyên nhân khách quan là do Luật Đất đai thông qua vào năm 2013, cùng với Hiến pháp năm 2013. Năm 2012, Ban Chấp hành Trung ương thông qua một nghị quyết về những chính sách cơ bản, định hướng chủ trương về các vấn đề liên quan đến đất đai, đến năm 2021 mới tổng kết việc này.
“Bây giờ muộn thì cũng đã muộn rồi, nếu cứ tiếp tục đưa vào chương trình thì sợ chưa chín. Đây là việc khó, Luật Đất đai năm 2013 trình Quốc hội thông qua trong 3 kỳ họp, đồng thời phải xin ý kiến nhân dân. Chúng tôi sẽ về báo cáo lại Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị ngay từ bây giờ những nội dung đã và đang tiếp tục. Đến năm 2021, khi tổng kết nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương mà Luật thông qua được vào đầu nhiệm kỳ thì sẽ là điểm mở đầu rất tốt cho nhiệm kỳ sau”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết.