Nông sản Việt và mô hình hợp tác xã kiểu mới

Mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới đã phát huy vai trò trong việc hỗ trợ phát triển sản xuất và mở ra kênh tiêu thụ cho hàng Việt trong thời gian qua. 
Hàng nông sản do các HTX sản xuất được bày bán tại các siêu thị phục vụ người dân TPHCM
Hàng nông sản do các HTX sản xuất được bày bán tại các siêu thị phục vụ người dân TPHCM

Liên kết sản xuất 

Theo kế hoạch phát triển đến năm 2020, cả nước sẽ có 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả. Để đạt đến mục tiêu trên, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra mục tiêu duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hơn 4.400 HTX nông nghiệp trên cả nước đang hoạt động có hiệu quả. Với những thành công bước đầu, mô hình HTX kiểu mới được xem là hướng đi đúng đắn, triển vọng giúp cho sản phẩm Việt Nam tiến ra thị trường quốc tế. Quyết định số 88/QĐ-LMHTXVN ngày 2-2-2018 của Liên minh HTX Việt Nam về ban hành Quy chế thành lập, hoạt động của tổ công tác và quy trình xây dựng mô hình HTX, liên hiệp HTX phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị cũng nêu rõ, các HTX sẽ chuyển đổi hoạt động theo mô hình kiểu mới và không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. 

Đến nay, tại các tỉnh thành, nhiều mô hình HTX đang phát triển về số lượng xã viên để sản xuất những sản phẩm chủ lực của địa phương. Đơn cử như tỉnh Bình Phước đã hình thành các HTX có quy mô lớn tập trung sản xuất, kinh doanh những sản phẩm chủ lực như điều, tiêu, rau sạch, bưởi da xanh, bơ, sầu riêng. Tại tỉnh Sơn La, tập trung sản xuất nhiều loại cây ăn trái như nhãn, cây ăn trái có múi. Còn các tỉnh Tây Nam bộ phát triển các HTX nuôi trồng thủy hải sản, cây ăn trái đặt trưng của vùng. Ngoài xây dựng thị trường, kênh phân phối, các HTX này còn giúp tiêu thụ sản phẩm của các nông hộ khác. 

Kết nối hàng hóa với thị trường
 
Thông qua mô hình HTX, ngoài vấn đề xã viên có điều kiện tiếp cận, đưa các sản phẩm nông sản ra thị trường, còn được giao lưu trao đổi học tập kinh nghiệm với HTX của các địa phương khác; tiếp cận được các chính sách hỗ trợ và định hướng phát triển của địa phương. Nhờ vậy, hoạt động sản xuất ngày càng thuận lợi hơn. Hiện tại, sản phẩm rau củ quả của HTX Phước An (huyện Bình Chánh), HTX Phú Lộc (huyện Củ Chi) đã triển khai dán tem truy xuất nguồn gốc VietGAP và được bày bán trên 50 điểm bán tại các hệ thống siêu thị Saigon Co.op, siêu thị BigC, siêu thị Lotte và siêu thị AEON. Các đơn vị như HTX Tân Thông Hội, HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong, HTX Phước An cũng đang cung ứng cho các doanh nghiệp chế biến và phân phối của TPHCM.

Ngoài thị trường trong nước, hàng hóa của các HTX này (nhờ được sản xuất tập trung) có thể đảm bảo về sản lượng và chất lượng, tạo thành đầu mối để các doanh nghiệp xuất khẩu hợp tác. Trong năm 2018, Tổng công ty Lương thực miền Nam đã liên kết với 60 HTX sản xuất lúa để thu mua với sản lượng khoảng 90.000 tấn lúa, có giá trị trên 550 tỷ đồng. Đánh giá của tổng công ty cho biết, việc liên kết với các HTX là chủ trương đúng đắn, kịp thời đáp ứng cho kế hoạch kinh doanh.

Nhìn thấy được vai trò của mô hình HTX kiểu mới trong tiến trình phát triển kinh tế, các địa phương đang đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế này. Vừa qua, sau khi tổng kết Chương trình hợp tác số 329/CTHT/ĐN-TPHCM ngày 27-10-2014 về việc phát triển kinh tế tập thể giữa Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông và Liên minh HTX TPHCM (giai đoạn 2014-2015, định hướng năm 2017), hai bên tiếp tục ký kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2018-2020, định hướng 2023. Việc ký kết nhằm giúp các HTX, liên hiệp HTX kết nối giao thương, tham gia các hội chợ thương mại, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hình thành hệ thống thương mại điện tử nhằm giới thiệu quảng bá sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm trong việc xây dựng HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương và tiêu thụ sản phẩm nông sản. Thông qua việc ký kết hợp tác này, chính là cơ sở để 2 địa phương có thể hỗ trợ lẫn nhau, mở ra nhiều cơ hội trong việc trao đổi thông tin, kết nối thị trường giúp cho sản phẩm của HTX giữa 2 địa phương mở rộng thị trường tiêu thụ.

Cả nước hiện có khoảng 1.000 HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị thị trường trong nước và xuất khẩu. Mô hình này đã giải quyết được vấn đề sản xuất theo nhu cầu thị trường, tránh tình trạng sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được vì không thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng, hoặc “đụng hàng dội chợ”. Ngược lại, nhiều sản phẩm của các HTX kiểu mới đã nâng cao về mặt giá trị cho sản phẩm, thu được hiệu quả cao về kinh tế. 

Tin cùng chuyên mục