Ngày 3-12, tại TP Lạng Sơn, Bộ NN-PTNT tổ chức Diễn đàn kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam - Trung Quốc.
Sự kiện nhấn mạnh vai trò của thị trường Trung Quốc, một trong ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay, những cơ hội lẫn thách thức trong hợp tác thương mại nông sản giữa hai quốc gia.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, Trung Quốc không chỉ là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam mà còn là thị trường xuất khẩu trọng điểm.
11 tháng năm 2024, kim ngạch thương mại nông, lâm, thủy sản song phương đạt 16 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu rau quả đạt xấp xỉ 4,1 tỷ USD (tăng 28,7%); gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,7 tỷ USD (tăng 22,3%); thủy sản đạt 1,4 tỷ USD (tăng 23,2%).
Những kết quả tăng trưởng này có phần nhờ các nghị định thư ký kết giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc, mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm như sầu riêng, thạch đen, tổ yến, các loại thủy sản.
Mặc dù có những bước tiến đáng kể, Việt Nam vẫn đối mặt nhiều khó khăn trong xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng như bưởi, bơ, na (mãng cầu), vú sữa và dược liệu. Những yêu cầu chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất, các đòi hỏi khắt khe từ phía người tiêu dùng Trung Quốc, cũng đang đặt ra áp lực cho doanh nghiệp Việt.
Các vấn đề về thông tin thị trường, thông quan chậm trễ, sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các bên liên quan cũng là những yếu tố cản trở.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị, các doanh nghiệp tập trung xây dựng chuỗi sản xuất theo ngành hàng gắn với các vùng chuyên canh đạt chuẩn.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo minh bạch thông tin vùng trồng, vùng nuôi và cơ sở đóng gói theo mùa vụ. Các cơ quan quản lý cần phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh cấp mã số vùng trồng và vùng nuôi nhằm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho biết, trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục đàm phán mở cửa thêm các sản phẩm mới và tăng cường hợp tác với các tỉnh biên giới phía Nam Trung Quốc. Đặc biệt, việc tham gia các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới được xem là hướng đi tiềm năng để doanh nghiệp trong nước tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng Trung Quốc.
Trọng tâm chiến lược trong năm 2025 và các năm tới sẽ là phát triển thị trường Trung Quốc theo hướng bền vững, ưu tiên chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam tại Trung Quốc.