Sau diễn đàn nhìn lại 1 năm đáp ứng các quy định được nêu trong các Lệnh 248 và 249 của Trung Quốc về xuất nhập khẩu nông thủy sản, Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 của Bộ NN-PTNT cho biết đã nhận được nhiều câu hỏi của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và nông dân với mong muốn tìm hiểu kỹ hơn các quy định mới của thị trường Trung Quốc, nhất là cho các sản phẩm xuất khẩu chủ lực và các mặt hàng nông sản vừa được Việt Nam và Trung Quốc ký các nghị định thư về kiểm soát an toàn thực phẩm.
Vì vậy, ngày 10-12, Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 tiếp tục tổ chức Diễn đàn trực tuyến “Thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng, chanh leo, khoai lang, chuối và các sản phẩm nông sản - thực phẩm chủ lực sang thị trường Trung Quốc” với kỳ vọng tiếp tục giải đáp những thắc mắc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để thúc đẩy hoạt động sản xuất và xuất khẩu sang thị trường 1,4 tỷ dân này.
Theo ông Trần Văn Cao, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, thành viên Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970, thời gian gần đây, Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ NN-PTNT Việt Nam đã ký nhiều nghị định thư về xuất nhập khẩu sầu riêng, chuối, khoai lang, tổ yến và thông báo nhập khẩu thí điểm chanh leo từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Một trong những yêu cầu là cơ sở sản xuất phải có mã vùng trồng, vùng nuôi, mã cơ sở đóng gói được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt nhằm quản lý về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Còn theo TS. Phan Thị Thu Hiền, đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), hiện nay xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thì Việt Nam có 7 loại trái cây xuất khẩu truyền thống gồm: xoài, thanh long, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít và 5 loại xuất khẩu theo hình thức ký kết nghị định thư là măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối và khoai lang.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang xuất khẩu tạm thời với quả chanh leo và ớt tươi. Các mặt hàng đang tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường là bưởi, mãng cầu, dừa, mận, chanh… “Điều kiện là các lô hàng xuất khẩu phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật và không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc”, bà Hiền thông tin. Những lô hàng không có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hợp lệ hoặc của các cơ sở chế biến chưa đăng ký sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy.
Theo yêu cầu của thị trường Trung Quốc, các cơ sở đóng gói nông sản nhập khẩu vào nước này phải được áp dụng các biện pháp kiểm soát sinh vật gây hại. Khu vực đóng gói phải vệ sinh sạch sẽ và phải có nền cứng. Vật liệu đóng gói phải sạch sẽ, chưa qua sử dụng. Container chứa khoai lang phải sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh và phải được khử trùng.
Đồng thời trên mỗi hộp hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải in dòng chữ tiếng Trung hoặc tiếng Anh: “Exported to the People’s Republic of China” và phải in bằng tiếng Anh hoặc tiếng Trung tên vùng trồng, tên cơ sở đóng gói, mã số đăng ký…
Liên quan yêu cầu kiểm soát dư lượng trên các loại trái cây - nông sản xuất khẩu, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Phòng Thuốc bảo vệ thực vật (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết, ngày 2-12, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã ký ban hành Thông tư số 19 năm 2022 về Danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và các loại thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng ở Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 16-1-2023. Ông Hải đề nghị các nhà vườn, doanh nghiệp cần tra cứu danh mục theo thông tư mới này để tuân thủ.
Đứng ở góc độ các nhà khoa học hướng dẫn nông dân về quy trình canh tác đảm bảo an toàn thực phẩm, Thạc sĩ Ngô Xuân Chinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp - Viện Khoa học và kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, cho biết, các vùng trồng cần thiết lập quản lý theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ đảm bảo được tính minh bạch để truy nguyên được nguồn gốc và nâng cao chất lượng.
Để đáp ứng tiêu chuẩn này, các cơ sở phải lấy mẫu và phân tích sản phẩm để đánh giá nguy cơ trong quá trình sản xuất. Đồng thời, sản phẩm trước và sau thu hoạch phải được phân tích các chỉ tiêu về: giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm, giới hạn ô nhiễm độc tố vi nấm trong thực phẩm…
Còn đối với sản phẩm chăn nuôi, ông Đỗ Văn Hoan, Phó trưởng Phòng Giống vật nuôi - Cục Chăn nuôi cho biết, ngày 9-11 vừa qua, giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch tổ yến của Việt Nam sang Trung Quốc. Theo quy định, các nhà nuôi yến xuất khẩu phải được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông qua hồ sơ.
Theo thống kê năm 2021, chúng ta có khoảng hơn 22.000 nhà nuôi yến với sản lượng tổ yến khoảng 200 tấn/năm. Đây là mặt hàng xuất khẩu tiềm năng, có giá trị cao. Ông Hoan đề nghị các cơ sở được cấp mã số theo dõi cần đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, sử dụng một số ứng dụng phần mềm truy xuất toàn bộ quá trình từ thông tin nhà nuôi yến, thông tin khai thác, thu mua, dán tem truy xuất đến quá trình xuất khẩu... “Những yêu cầu này là bắt buộc trong nghị định thư cho các doanh nghiệp xuất khẩu tổ yến”, ông Đỗ Văn Hoan nói.
Chia sẻ tại diễn đàn này, ông Bob Wang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đề nghị các cơ quan chức năng và nông dân trồng trái cây của Việt Nam kiểm soát chặt chẽ chất lượng trái cây và xây dựng các quy tắc thống nhất để đảm bảo việc thu hái và khử trùng trái cây Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, không sử dụng hóa chất hoặc thuốc trừ sâu vi phạm quy định. Trái cây Việt Nam khi xuất khẩu phải áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc chất lượng. |