Theo Bộ NN-PTNT, việc tiêu thụ không chỉ chuẩn bị cho đợt dịch Covid-19 lần này mà phải chuẩn bị cho những tháng tiếp theo. Chỉ tính khu vực ĐBSCL trong tháng 9 phải tiêu thụ 2 triệu tấn lúa, 350.000 tấn cây ăn trái, 250.000 tấn rau; trong năm 2020 phải tiêu thụ 8 triệu tấn lúa, 1 triệu tấn rau và 1,7 triệu tấn cây ăn trái. Với số lượng nông sản nhiều, các doanh nghiệp, siêu thị cần đẩy mạnh thị trường trong nước và mở rộng khu vực các tỉnh phía Bắc.
Ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục Trồng trọt, thành viên của Tổ Công tác 970 của Bộ NN-PTNT, đề nghị, các địa phương chọn những sản phẩm chủ lực để đẩy mạnh sản xuất, dự đoán sản lượng, thời gian thu hoạch; đồng thời thực hiện sản xuất tiêu chuẩn chất lượng cao để có thể tiêu thụ được các thị trường khó tính.
Ông Trần Việt Cường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho hay, trong đợt dịch vừa qua, các doanh nghiệp phải cố gồng thực hiện 3 tại chỗ nhằm giải quyết đơn hàng đã lỡ ký hợp đồng. Cùng với đó, nguyên liệu cũng không thể đến được doanh nghiệp do vướng quy định giãn cách. Tính đến thời điểm này, có hơn 95% doanh nghiệp đã đóng cửa. Để sản xuất hoạt động bình thường cần phải tiêm vaccine cho tất cả người dân. Song song đó, nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp.
Qua lần này, nhà nước cũng cần bố trí quy hoạch đầu tư trung tâm logistics, xây dựng sàn giao dịch nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM cho hay, qua tác động của dịch Covid cho thấy sự gắn kết rời rạc của đơn vị thu mua với người nông dân, HTX, doanh nghiệp. Hội đã hướng tới việc xây dựng kho lạnh quốc gia nhằm dự trữ được nông sản trong thời gian dài. Hiện, hội sẽ có đề án xin nhà nước hỗ trợ cơ chế như giảm lãi suất và kéo dài thời gian vay.
Dù được Tổ Công tác 970 hỗ trợ, ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch tỉnh Long An cho biết, địa phương cũng tháo gỡ nhưng sản lượng nông sản còn tồn đọng trong nông dân vẫn còn nhiều. Cũng nhờ vậy mà, các doanh nghiệp, siêu thị đã có kết nối trực tiếp với tổ hợp tác, hợp tác xã trong việc tiêu thụ, giảm khâu trung gian, tiến đến liên kết bền vững.
Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu trái cây Chánh Thu, đề nghị, nhằm tiêu thụ nông sản, các bộ, ngành cần phải đánh giá được thông tin sản xuất trong nước, thông tin khách hàng cần nhập khẩu để định hướng cho doanh nghiệp sản xuất. Việt Nam cũng cần chỉ có một phương thức sản xuất nông nghiệp là đạt chất lượng cao để không chỉ xuất khẩu mà vẫn tiêu thụ thị trường nước. Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, trong bối cảnh giá vận chuyển tăng cao, siêu thị cũng bán sản phẩm bình ổn, không được phép tăng giá. Nhờ Bộ NN-PTNT giới thiệu, siêu thị cũng đã liên kết trực tiếp được với các tổ hợp tác, hợp tác xã của các địa phương khác, giảm được khâu trung gian và hướng tới liên kết bền vững.
Chi phí sản xuất đang “bào mòn” chi phí lợi nhuận của doanh nghiệp và nông dân, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT chia sẻ, dịp này không thể sản xuất lẻ loi mà các địa phương, doanh nghiệp, nông dân cần có chiến lược, kế hoạch dài hạn theo tư duy trị trường, không gian phát triển. Có nhiều nông dân có thể giảm lượng phân bón hóa học, chuyển sang phân bón sinh học, tuy giảm sản lượng nhưng chất lượng cao hơn. Các nông dân cần phải xem thị trường trong nước, cũng giống như thị trường xuất khẩu để chuẩn hóa quy trình canh tác.
Hiện nay, doanh nghiệp tiêu thụ nông sản; trong thời điểm này, doanh nghiệp cần định hướng cho nông dân sản xuất theo yêu cầu thị trường, sản xuất sản phẩm chất lượng cao. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể mời thương lái vào tham gia cổ đông của doanh nghiệp để tránh đứt gãy chuỗi tiêu thụ. Bộ NN-PTNT cũng đang xem lại hệ thống logistics để làm hợp tác công tư với các doanh nghiệp.