Chiều 15-2 tại xã Đức Chính (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương), lần đầu tiên, lễ hội thu hoạch cà rốt được tổ chức ở Việt Nam, nhằm quảng bá chất lượng, thương hiệu và kích cầu tiêu thụ cà rốt trong nước và xuất khẩu trong thời gian tới.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương, hiện nay, địa phương này có khoảng 1.600ha chuyên canh cà rốt, với sản lượng trên 80.000 tấn/năm, được trồng ven sông Thái Bình và sông Kinh Thầy, tập trung nhiều tại các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách và TP Chí Linh… Lễ hội thu hoạch cà rốt là sự kiện để xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và tạo điều kiện các địa phương, doanh nghiệp kết nối mở rộng đầu ra cho cà rốt.
Sở Công thương tỉnh Long An vừa gửi văn bản kêu gọi các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp trong tỉnh hỗ trợ tiêu thụ thanh long cho nông dân… Theo bà Châu Thị Lệ, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An, thời gian qua các ngành chức năng đã kết nối với các sàn thương mại điện tử tiêu thụ thanh long hỗ trợ dân địa phương gần 20.000 tấn, nhưng vẫn không tiêu thụ hết. Theo bà Châu Thị Lệ, hôm nay ngày 16-2, các ngành chức năng tỉnh Long An đến Bình Dương để làm việc với các doanh nghiệp về việc hỗ trợ tiêu thụ thanh long nhằm tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Hiện tại Long An chỉ còn khoảng hơn 1.000 tấn thanh long (trái vụ xông đèn) và mặt hàng trái cây này cũng sắp hết mùa; ngành chức năng tỉnh đang chuẩn bị kế hoạch tiêu thụ cho vụ thanh long tiếp theo vào tháng 4 sắp tới.
Còn tại Tiền Giang, huyện Chợ Gạo, vùng chuyên canh thanh long lớn nhất tỉnh với hơn 7.400ha. Hiện nay, nông dân huyện Chợ Gạo đang thu hoạch thanh long nghịch vụ, nhưng thương lái đã ngừng thu mua khiến nhiều nhà vườn gặp khó khăn khi nhìn thanh long chín đầy vườn mà thiếu người đến mua. Theo ước tính, từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 2-2022, nông dân Tiền Giang thu hoạch khoảng 400.000 tấn trái cây, bao gồm các loại chủ lực như thanh long, mít, xoài, khóm, sầu riêng, nhãn, bưởi, sapo. Riêng thanh long, toàn tỉnh Tiền Giang cũng đang chuẩn bị thu hoạch khoảng 60.000 tấn trái vụ. Chính quyền tỉnh này đang tìm hướng tháo gỡ, cũng như đề ra những phương án, kế hoạch tái sản xuất, phát triển lâu dài cho nông sản.
Trong khi đó, sau tết các hộ nông dân trồng hồ tiêu ở các tỉnh Đông Nam bộ đã nhanh chóng bắt tay vào việc thu hoạch rộ niên vụ 2021-2022. Nếu cùng mùa vụ năm ngoái, giá tiêu trung bình chỉ ở mức 45.000-50.000 đồng/kg, thì hiện giá tiêu tăng gần gấp đôi, ở mức 85.000-90.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, do thời tiết thuận lợi nên sản lượng theo dự đoán của nông dân cũng tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo phân tích của các chuyên gia, thời gian gần đây, mặc dù giá hồ tiêu đã tăng mạnh nhưng chưa thật sự ổn định, diện tích trồng tiêu của cả nước vẫn cao gấp nhiều lần so với quy hoạch, chất lượng tiêu vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến dư lượng thuốc trừ sâu, hóa chất bảo vệ thực vật. Do đó, trong thời gian tới, ngành hồ tiêu cần đẩy mạnh xây dựng các vùng trồng tiêu sạch để đáp ứng được các tiêu chí sản xuất, chế biến và xuất khẩu nhằm hướng đến đầu ra bền vững.
Vẫn còn ùn ứ nông sản, hàng hóa ở Lạng Sơn Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn vừa có thông báo tạm dừng tiếp nhận xe chở nông sản từ ngày 16-2 đến 25-2. Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, tính đến 16 giờ chiều 15-2, tại 4 cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị, Chi Ma và Cốc Nam vẫn còn gần 2.900 phương tiện chở hàng hóa chờ làm thủ tục xuất nhập khẩu. Trong đó, cửa khẩu Hữu Nghị còn 1.042 xe, cửa khẩu Tân Thanh còn 771 xe, cửa khẩu Cốc Nam còn 1.011 xe, còn lại ở cửa khẩu Chi Ma. Bên cạnh đó, tại khu vực ga Đồng Đăng còn 1.128 xe chờ làm thủ tục thông quan hàng hóa. Theo Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn, thời gian qua, các loại nông sản xuất sang thị trường Trung Quốc chủ yếu được làm thủ tục thông quan tại các cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị, Chi Ma… Từ sau tết đến nay, do phía Trung Quốc tiếp tục thắt chặt kiểm soát dịch Covid-19 nên tốc độ thông quan khá chậm, mỗi ngày chỉ được 60-100 xe, trong khi lượng xe đưa lên địa bàn Lạng Sơn đạt trung bình 160-180 xe/ngày, chủ yếu là hoa quả tươi như thanh long, dưa hấu, mít, xoài… Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn đề nghị các doanh nghiệp chủ động điều tiết, tạm dừng đưa xe chở nông sản lên các cửa khẩu phía Bắc để tránh gia tăng ùn ứ, gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp. VĂN PHÚC |