Từ hàng chục năm nay cà dừa đã “bén duyên” ở vùng đất Thượng Lộc và phát triển trở thành cây trồng truyền thống, chủ lực của địa phương. Trải qua quá trình sản xuất, giống cây này rất phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng nên mang lại hiệu quả, chất lượng đảm bảo, giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định. Đến nay, toàn xã Thượng Lộc có khoảng 22ha cà dừa trồng tại 10/10 thôn của xã. Trong đó, vùng sản xuất tập trung quy mô lớn ở các thôn: Sơn Phú, Sơn Bình, Vĩnh Xuân, Đồng Thanh, Vĩnh Xá…
Cân mua cà tại ruộng ở thôn Sơn Phú (xã Thượng Lộc) |
Đang hái từng quả cà trên thửa ruộng của mình cho vào giỏ nhựa, bà Nguyễn Thị Hà (55 tuổi, ở thôn Sơn Phú, xã Thượng Lộc) cho biết, gia đình có truyền thống sản xuất cà đã hàng chục năm nay; thời điểm hiện tại có khoảng 1,5 sào cà ở cánh đồng Trại Mai. Đây là cây trồng chính mang lại thu nhập ổn định và cao hơn trồng lúa gấp nhiều lần. Mặc dù quá trình trồng, chăm sóc khá vất vả, đặc biệt là giá cả phân bón tăng cao nhưng nhờ điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng phù hợp nên cà phát triển tốt, giá cả cao, ổn định...
Bà Nguyễn Thị Hà thu hoạch cà trên ruộng của mình |
“Cà dừa Thượng Lộc đã tạo được thương hiệu nổi tiếng, trở thành nghề truyền thống của nhiều hộ dân dân. Cà được trồng từ khoảng tháng 10 âm lịch và cho thu hoạch nhiều lần đến hết tháng 3 âm lịch năm sau. Hiện tại cà có giá là 20.000 đồng/kg, còn đầu mùa là 25.000 đồng/kg, có hộ cho thu nhập hàng chục triệu đồng/mùa... Phấn khởi nhất là cà sản xuất ra bao nhiêu đều được thương lái đến thu mua hết bấy nhiêu, thậm chí có người vào tận bờ ruộng để thu mua nhưng nhiều lúc cũng không đủ cà để bán”, bà Hà chia sẻ.
Cà Thượng Lộc đã tạo dựng được thương hiệu nổi tiếng |
Ông Nguyễn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc, cho biết, toàn xã Thượng Lộc hiện có trên 400 hộ dân trồng cà dừa, với diện tích 22ha. Vào lúc cao điểm, giá cà bán lẻ dao động từ 25.000-30.000 đồng/kg, bình quân 20.000 đồng/kg bán tại ruộng... Vụ cà dừa năm nay bà con nông dân được mùa và được giá, đầu ra sản phẩm rất ổn định và cho thu nhập cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa. Bình quân mỗi hécta cà dừa cho thu nhập khoảng 200-220 triệu đồng, mỗi mùa vụ thu về giá trị kinh tế khoảng 4-5 tỷ đồng.
Cà Thượng Lộc |
“Cà Thượng Lộc là cây trồng truyền thống, chủ lực góp phần phát triển kinh tế của địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập ổn định, bền vững, xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Thời gian sắp tới, địa phương sẽ phấn đấu duy trì và phát triển mở rộng thêm bình quân từ khoảng 3-5ha cà/năm…”, ông Nguyễn Hải chia sẻ.
Vựa cà ở thôn Sơn Phú (xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) |
Ngược ra thôn Lồng Lộng (xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc) khoảng 15km, vựa hành lá nơi đây cũng đã tạo được thương hiệu nổi tiếng. Hành lá phát triển trù phú và mang lại hiệu quả thu nhập kinh tế ổn định cho bà con nông dân.
Ông Trần Bích Nhân (66 tuổi, ở thôn Lồng Lộng) cho biết, gia đình trồng gần 2 sào hành lá, cứ 2 tháng cho thu hoạch một lần, thị trường tiêu thụ ổn định, bình quân mỗi năm gia đình thu về giá trị kinh tế khoảng 60-70 triệu đồng từ cây hành lá này. Trồng hành tuy có vất vả, cần sự chuyên cần, kiên trì, chịu khó nhưng bù lại bán thuận lợi, được giá, hành phát triển tốt nên rất phấn khởi.
Ông Trần Bích Nhân (ở thôn Lồng Lộng, xã Thuần Thiện) bên ruộng hành lá |
Ông Phan Anh Đức, Chủ tịch UBND xã Thuần Thiện cho biết, mô hình trồng hành lá trên địa bàn được đưa vào sản xuất từ năm 2017, chủ yếu tập trung ở thôn Lồng Lộng. Để phát triển mô hình này, ngân sách các cấp cũng đã hỗ trợ 350 triệu đồng giúp người dân xây dựng hệ thống tưới nước tiết kiệm, lắp đặt các trụ tiếp điện máy bơm...
Hiện có trên 30 hộ dân chuyên trồng hành lá với diện tích khoảng 2,5ha và nhân rộng thêm khoảng 2ha trong vườn hộ gia đình, giá hành lá trên thị trường dao động từ 15.000-20.000 đồng/kg, có thời điểm cao hơn, bình quân mỗi năm cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/ha...
Vựa hành lá ở thôn Lồng Lộng đã tạo được thương hiệu nổi tiếng |
“Địa phương đang xây dựng phương án khôi phục, duy trì 6ha hành lá tập trung và phát triển, nhân rộng thêm mô hình trồng hành lá tại các vườn hộ. Đồng thời, định hướng xây dựng vùng nguyên liệu để tạo liên kết tiêu thụ sản phẩm, phát huy giá trị sản phẩm bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân...”, ông Phan Anh Đức chia sẻ.
Sản xuất hành mang lại thu nhập cho người dân ở thôn Lồng Lộng |
Vựa hành lá ở thôn Lồng Lộng cho thu hoạch liên tục quanh năm |