PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường xung quanh vấn đề này…
- Bộ trưởng đánh giá như thế nào về những khó khăn, trở ngại của ngành nông nghiệp trong năm 2019?
* Bộ trưởng NGUYỄN XUÂN CƯỜNG: Có thể đánh giá năm 2019 là một năm đầy chông gai với ngành nông nghiệp của chúng ta. Tình hình thương mại nông sản cực kỳ khó khăn do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại… Nhưng ảnh hưởng nặng nề hơn là dịch tả heo châu Phi hoành hành. Tuy nhiên, với sự cố gắng vượt bậc của cả hệ thống chính trị, nhờ sự đồng sức, đồng lòng của các thành phần kinh tế, từ doanh nghiệp, hợp tác xã đến nông dân nên năm 2019, chúng ta vẫn đạt được nhiều kết quả rất tích cực. Một là trong hoàn cảnh tác động của dịch tả heo châu Phi, tăng trưởng ngành nông nghiệp vẫn đạt kết quả khả quan. Hai là, xuất khẩu nông sản vẫn đạt được 41,3 tỷ USD. Ba là, chúng ta đã hoàn thành được 54% số xã nông thôn mới (khoảng 4.800 xã)…
- Sau 10 năm, chưa bao giờ có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư vào nông nghiệp nhiều và mạnh như bây giờ, tại sao nông nghiệp lại thu hút được như vậy?
* Trong vòng 3 năm mà số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng gấp hơn 3 lần. Qua gần 35 năm đổi mới, chúng ta đã có trên 750.000 doanh nghiệp, trong đó có một bộ phận doanh nghiệp nông nghiệp, nhất là những doanh nghiệp lớn, đã đủ điều kiện kể cả về quản trị, đủ tầm vóc về tài chính. Với kim ngạch hơn 41 tỷ USD, nông sản xuất đi 185 nước trên thế giới, có thể khẳng định rằng dư địa nông nghiệp còn rất lớn, vì tổng thương mại toàn cầu về thực phẩm vẫn còn hơn 2.000 tỷ USD. Các doanh nghiệp của chúng ta đã nhìn thấy vấn đề này, nên mới quyết tâm vào đầu tư.
Cùng với đó, các chủ trương chính sách của chúng ta hiện nay đã đủ lực, đủ sức để kêu gọi doanh nghiệp vào cuộc. Ở 63 tỉnh thành, nơi nào cũng vậy, liên tục mời gọi các nhà đầu tư. Chúng tôi theo dõi 3 năm qua, tất cả các sự kiện xúc tiến kêu gọi đầu tư đều dành một phần rất quan trọng để xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Kể cả tại TPHCM, mặc dù hiện nay GRDP nông nghiệp chỉ có 0,6% nhưng vẫn rất khát vọng và cầu thị mời gọi các doanh nghiệp vào đầu tư, cùng nông dân xây dựng một ngành nông nghiệp mới.
- Mục tiêu xuất khẩu của ngành nông nghiệp Việt Nam năm 2020 là 42 tỷ USD, tiếp tục cao hơn năm 2019, làm cách nào để đạt được con số kỳ vọng này?
* Năm 2019, chúng ta đã đạt được 41,3 tỷ USD xuất khẩu nông lâm thủy sản. Có lẽ, năm 2020 phải khát vọng con số cao hơn. Bởi vì, mặc dù chúng ta xác định, năm 2020 sẽ có rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là về thị trường tiêu thụ, nhưng chúng ta vẫn tìm thấy dư địa, nên tiếp tục kỳ vọng như thế.
Sau khi Chính phủ có nghị quyết, chính thức giao cho ngành nông nghiệp phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 41,5 - 42 tỷ USD trong năm 2020, chúng tôi bàn và giao cho các đơn vị, phối hợp tốt với các địa phương, các thành phần kinh tế phải phấn đấu, ít nhất đạt từ 42 tỷ USD xuất khẩu trở lên. Đây là quyết tâm, mặc dù mục tiêu này sẽ khó, nhất là trong bối cảnh, bức tranh chung toàn cầu hiện nay, phải cạnh tranh quyết liệt về thị trường, nhưng tôi nghĩ rằng, với quyết tâm cao nhất, đồng bộ, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế, của người dân, chúng ta sẽ đạt được kỳ vọng.
- Bộ trưởng có thể đưa ra nhận định về những khó khăn, thách thức mà nông nghiệp Việt Nam có thể phải đối mặt trong năm 2020 không?
* Trước hết, chúng ta cần phải xác định năm 2020 sẽ lại tiếp tục là năm khó khăn của ngành nông nghiệp. Khó khăn đầu tiên là về thiên tai dịch bệnh, tác động của biến đổi khí hậu. Ngay từ đầu năm 2020, thời tiết đã ảnh hưởng rồi, chúng tôi đang phải lo chỉ đạo sản xuất vụ xuân ở miền Bắc và tổ chức ứng phó mặn ở ĐBSCL. Mới đầu năm đã xảy ra hạn ở các tỉnh phía Bắc, bây giờ đang cần triển khai gieo 546.000ha lúa tại 11 tỉnh đồng bằng sông Hồng và trung du, miền núi phía Bắc thì 3 hồ nước lớn của chúng ta, gồm hồ Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình năm nay thiếu bình quân 40% - 55% lượng nước. Toàn bộ miền Trung cũng đang thiếu nước, toàn bộ ĐBSCL thì từ tháng 9-2019 đã được dự báo trước là sẽ hạn, mặn gay gắt. Tại ĐBSCL, chưa năm nào thiếu hụt tới 60% - 65% lượng nước ở thượng nguồn. Rõ ràng, ngay từ đầu năm đã đối mặt khó khăn trong sản xuất.
Cái khó thứ hai là, dịch tả heo châu Phi mặc dù đã xuống đáy, nhưng chưa phải an toàn, chúng ta vẫn phải đối mặt. Điều đó có nghĩa, dịch bệnh vẫn tiếp tục là nguy cơ đe dọa tới sản xuất trong năm 2020. Cái khó thứ ba là thị trường nông sản tiếp tục gay go, vì chiến tranh thương mại toàn cầu, biểu hiện lớn nhất là thương mại nông sản do các quốc gia đang có xu hướng muốn phát triển nông sản tại chỗ, hạn chế nhập khẩu. Đây là áp lực cho những nước xuất khẩu, trong khi nước ta là nước xuất khẩu rất lớn về nông sản. Chúng tôi xác định, năm 2020 sẽ tiếp tục là một năm đầy chông gai của ngành nông nghiệp, nhưng toàn ngành sẽ nỗ lực để vượt qua.