Thông tin này được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nêu ra tại hội nghị toàn thể Chương trình hỗ trợ quốc tế, diễn ra ngày 6-12 tại Hà Nội.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, kể từ năm 2019 đến nay, không một dự án ODA mới nào được ký kết trong lĩnh vực này.
Theo Bộ NN-PTNT, thay đổi địa vị từ quốc gia thu nhập thấp lên trung bình đã khiến Việt Nam không còn được hưởng ưu đãi lãi suất thấp. Điều này dẫn đến sụt giảm mạnh cả về số lượng lẫn giá trị nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi và các khoản hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại cho ngành nông nghiệp.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, giai đoạn trước, vốn ODA từng chiếm tới 50% tổng đầu tư phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong các dự án cải thiện hạ tầng, xóa đói giảm nghèo và ứng phó biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trong 5 năm qua, sự vắng bóng của nguồn vốn này đã tạo ra những thách thức lớn.
Đặc biệt, trong bối cảnh ngân sách nhà nước chưa thể phân bổ đủ cho các nhiệm vụ chiến lược, ngành nông nghiệp lại phải đối mặt với những thách thức như năng suất lao động thấp, tác động của biến đổi khí hậu và khả năng tiếp cận tín dụng còn hạn chế. “Ngành nông nghiệp không chỉ cần vốn, mà còn cần hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực quản lý”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bà Mariam Sherman, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới, nhận định nhu cầu vốn ODA của Việt Nam vẫn rất lớn, ước tính khoảng 10 tỷ USD cho các dự án hạ tầng và đào tạo kỹ thuật.
Bà cho rằng, bên cạnh việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cần chú trọng tới các dự án “phần mềm” như đào tạo, tập huấn kỹ thuật để đảm bảo tính bền vững. Ngân hàng Thế giới cam kết cung cấp các gói hỗ trợ đồng bộ, bao gồm cả vốn vay và hỗ trợ kỹ thuật.
Trong khi đó, ông Shantanu Chakrabory, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á, cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nâng cao sinh kế nông thôn và khả năng chống chịu tại các khu vực dễ tổn thương, đặc biệt là vùng ven biển và hải đảo. Ông cũng đề xuất tập trung vào các dự án lớn nhằm chuyển đổi nông nghiệp theo hướng giảm phát thải, điển hình như đề án 1 triệu ha lúa gạo giảm phát thải.
Tình trạng dần vắng bóng vốn ODA là một trong những cảnh tỉnh đối với Việt Nam, đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc tìm kiếm các giải pháp huy động nguồn lực quốc tế và cải thiện hiệu quả quản lý nguồn vốn trong ngành nông nghiệp.
Để đạt được điều này, theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT), cần xây dựng mạng lưới đối tác phát triển bền vững, phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, các bộ ngành và địa phương.
Dự kiến, trong giai đoạn 2026-2030, Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu huy động khoảng 2,16 tỷ USD vốn ODA, trong đó có 2 tỷ USD từ các dự án mới, để thực hiện các kế hoạch dài hạn trong lĩnh vực nông nghiệp.