Đây là hội nghị cấp vùng quan trọng có sự đóng góp của hơn 100 đại biểu đến từ các quốc gia khác nhau của Đông Nam Á.
Nội dung quan trọng nhất được ICRAF nhấn mạnh trong hội nghị này cần có những hành động ưu tiên cụ thể để tăng cường sự phối hợp và gắn kết giữa các quốc gia thành viên ASEAN trong việc khai thác và phát triển những thế mạnh của nông lâm kết hợp.
Trong một so sánh toàn cầu, Đông Nam Á có trữ lượng cacbon sinh khối cao nhất trên diện tích đất canh tác nông nghiệp và xu hướng này có chiều hướng gia tăng, từ 60 tấn cacbon/ha năm 2000 lên 65 tấn/ha trong năm 2010. Nông lâm kết hợp được chứng minh có khả năng tăng tích tụ cacbon và rất có tiềm năng để kinh doanh các dịch vụ môi trường.
Tuy nhiên, việc áp dụng rộng rãi các mô hình nông lâm kết hợp với mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu tại khu vực Đông Nam Á vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do chính sách để phát triển nông lâm kết hợp chưa được quan tâm và đánh giá đúng mức.
Chính vì vậy, việc xây dựng bộ quy trình Hướng dẫn cụ thể về phát triển nông lâm kết hợp cho khu vực Đông Nam Á được xem là hành động ưu tiên và thiết thực nhất trong bối cảnh diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu, thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Hướng dẫn này đã được thống nhất xây dựng trong Kế hoạch hành động (PoA) về hợp tác lâm nghiệp xã hội tại Hội nghị AWG-SF lần thứ 11, Hội nghị ASOF lần thứ 20 và AMAF lần thứ 39. Điều này được kỳ vọn sẽ góp phần vào việc thúc đẩy sự phát triển của chính sách nông lâm kết hợp tại các quốc gia Đông Nam Á.
Trong thời gian diễn ra hội nghị, các đại biểu sẽ cùng nhau thảo luận để đưa ra những hành động ưu tiên cũng như có sự hỗ trợ cần thiết khi áp dụng Hướng dẫn về phát triển nông lâm kết hợp. Hội nghị cũng là cơ hội để thúc đẩy các hoạt động phối hợp giữa các quốc gia thành viên Đông Nam Á, các tổ chức, đoàn thể, các nhà tài trợ... trong phát triển nông lâm kết hợp.