Tây Ninh có những ưu thế thuận lợi để phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), như đất đai bằng phẳng, có công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa cung cấp nguồn nước tưới sạch và dồi dào cho đồng ruộng, có sông Vàm Cỏ Đông bao quanh, mang phù sa bồi đắp, nông dân Tây Ninh cần cù, năng động. Với những yếu tố thiên thời địa lợi nhân hòa như thế, đây là cơ hội lớn cho nông nghiệp địa phương bứt phá hướng tới một nền nông nghiệp sạch.
Hàng trăm nông dân đăng ký làm NNCNC
Kể từ sau hội thảo quốc tế Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế do UBND tỉnh Tây Ninh và Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ, Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietcombank) phối hợp tổ chức vào đầu năm 2017, nông nghiệp công nghệ cao ở Tây Ninh đã được quan tâm đặc biệt. Đây là cơ hội thuận lợi cho ngành nông nghiệp địa phương chuyển mình theo hướng sản xuất bền vững gắn với thị trường.
Ngay sau hội thảo, nhiều cuộc hội nghị, hội thảo đã diễn ra để triển khai thực hiện các ký kết xúc tiến đầu tư giữa UBND tỉnh với Công ty Sunrise Orchards, Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ, hợp đồng hợp tác đầu tư cho chợ đầu mối cũng như đầu tư vào chuỗi giá trị nông nghiệp tại Tây Ninh… Trong đó, mới nhất là hội thảo triển khai đề án phát triển chuỗi giá trị nông sản hội nhập thị trường thế giới cho các xã, thị trấn, lãnh đạo các phòng, ban, đoàn thể và gần 300 nông dân trong huyện vào ngày 30-3 do UBND huyện Dương Minh Châu kết hợp với Viện Kinh tế nông nhiệp hữu cơ (IOAE) tổ chức. Tại hội thảo này, các đại biểu được nghe giới thiệu chung về chuỗi nông nghiệp, kế hoạch xây dựng Nhà máy chế biến rau củ quả Lavifood ở huyện Gò Dầu, giải pháp truy xuất nguồn gốc nông sản, các bộ tiêu chuẩn về rau củ quả (Global Gap, Organic) và hợp tác xã (HTX) kiểu mới.
Kết thúc hội thảo, theo Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thị Xuân Hương, đã có 250 nông dân trong huyện đăng ký tham gia chương trình NNCNC với tổng diện tích hơn 500ha và về phía huyện, đã chọn xã Phước Ninh, nơi có nhiều nông dân sản xuất giỏi để IOAE hướng dẫn triển khai thí điểm làm NNCNC.
Ngay sau đó là chương trình tập huấn cải cách HTX Nông nghiệp tỉnh Tây Ninh với 100 đại biểu là lãnh đạo Sở NN-PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hội Nông dân tỉnh, Liên minh Hợp tác xã, Trưởng ban chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, Phòng NN-PTNT các huyện, TP Tây Ninh, đại diện HTX nông nghiệp và một số nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
Cơ hội bứt phá
Theo Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Trần Lưu Quang, tính đến nay, tỉnh đã chuẩn bị được hơn 2.000ha đất nông nghiệp dành cho phát triển chuỗi giá trị nông sản. Trong đó, Tập đoàn Cao su Việt Nam dự kiến chuyển đổi một số diện tích trồng cao su ở huyện Gò Dầu để chuyển sang trồng cây nông nghiệp, hưởng ứng chủ trương phát triển NNCNC của tỉnh.
Cùng với đó, Nhà máy Lavifood chuyên chế biến rau, củ, quả sẽ được khởi công vào cuối tháng 4-2017 tại xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu và bước đầu đã có 15 nông dân trong xã tập hợp lại thành lập HTX trồng chanh dây để cung ứng cho nhà máy. Qua khảo sát, hiện cây chanh dây ở các huyện Châu Thành, Tân Biên phát triển tốt không thua kém so với các tỉnh Tây Nguyên, nơi được xem là thủ phủ chanh dây của cả nước. Nếu nông dân trồng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, nhà máy cam kết sẽ bao tiêu hết sản phẩm. Nhà máy sẽ sản xuất nhiều loại nông sản sấy khô, sấy dẻo trái cây, nước uống với công suất tiêu thụ khóm (thơm) 100 tấn/ngày và trong những năm đầu hoạt động, nhà máy sẽ thu mua nông sản ở những tỉnh miền Tây đem về chế biến.
Qua các hội thảo, vẫn còn không ít người băn khoăn về đầu ra cho sản phẩm nhãn, chôm chôm... Các thắc mắc của nông dân đã được ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế nông nhiệp hữu cơ giải đáp rằng, sẽ cử đội ngũ nhân viên hướng dẫn bà con cách chăm sóc lại vườn chôm chôm, nhãn theo đúng quy trình Global Gap. “Nếu nông dân Tây Ninh tích cực làm kinh tế nông nghiệp theo hướng này, 5 năm tới Tây Ninh sẽ trở thành địa phương sản xuất nông nghiệp sạch của Việt Nam”, ông Thành nói.
Tại hội thảo Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đánh giá cao tiềm năng phát triển cũng như tinh thần cầu thị, khát vọng vươn lên của Tây Ninh với NNCNC, nông nghiệp hội nhập và du lịch là thế mạnh. Bộ sẽ có trách nhiệm cùng Tây Ninh giải quyết các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển, đồng thời sẽ kiến nghị các bộ, ngành có liên quan cùng chung tay giải quyết những gì còn vướng mắc.