Theo tài liệu lưu trữ từ Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, hệ thống cống thuộc chương trình giữ ngọt để các huyện Nam Cà Mau với mục đích chống nước mặn xâm nhập, giữ nước ngọt, tiêu úng, xổ phèn, chống tràn… được xây dựng và đưa vào sử dụng từ hơn 20 năm qua với giá trị hàng trăm tỷ đồng. Quy hoạch không sát hợp với thực tế khiến người dân bức xúc tự ý đập phá cống đập đưa nước mặn vào vùng đất ngọt. Hệ thống cống, đập một thời góp phần tích cực cho cuộc sống ở nông thôn giờ lại trở thành chướng ngại vật và UBND tỉnh Cà Mau đã chấp thuận cho phá dỡ 83 cống không còn tác dụng ngăn mặn, ém phèn đang là vật cản nguy hiểm nằm giữa sông với tổng kinh phí khoảng 2,6 tỷ.
“Thủy” nào lợi hơn
Năm 1991, cùng với thực hiện khoán 10, yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực, chương trình ngọt hóa Quản Lộ – Phụng Hiệp được khởi động với hàng trăm cống đập lớn nhỏ, hệ thống kênh mương nội đồng, đê biển, đê sông… mang khát vọng cháy bỏng là ngăn nước mặn vào sâu trong đất liền, giữ ngọt ổn định và thau chua, xổ phèn, phục vụ cho mục tiêu sản xuất nông nghiệp, nâng cao sản lượng lúa, đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ xuất khẩu. Khi mà bà con đang hưởng sự “ngọt hóa” trên các ruộng lúa thì phong trào nuôi tôm sú xuất hiện. Đời sống của cư dân cách nhau một con đê ngăn dòng “mặn – ngọt” khác biệt ngày càng rõ.
Và thế là bà con vừa được hưởng sự “ngọt hóa” của hệ thống thủy lợi đắt tiền đã tự ý đập cửa cống ngăn mặn, biến ruộng lúa thành đầm tôm tạo ra tình trạng chuyển dịch tràn lan, da beo dẫn đến phá vỡ quy hoạch sản xuất của chính quyền Cà Mau, ngay trên mảnh ruộng của họ. Vì thế vùng đất Cà Mau này trở về với hệ sinh thái tự nhiên của hai mùa “mặn – ngọt”. Và từ đó, “ngọt –mặn” lại tùy trời!
Năm 2000, Chính phủ quyết định cho các tỉnh trên vùng ĐBSCL chuyển đổi 450.000ha đất trồng lúa sang đất nuôi tôm. Lúc này, hệ thống thủy lợi ở Cà Mau bộc lộ rõ sự đối kháng giữa hai mục đích - phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và phục vụ cho nuôi trồng thủy sản.
Chuyện mặn - ngọt không chỉ tùy thuộc vào những thay đổi của thời tiết mà nguy cơ do xẻ kênh mương, bơm vận chuyển cát từ ngoài vùng mặn vào trong vùng ngọt để xây dựng công trình ở huyện Trần Văn Thời cũng đã và đang là nỗi bức xúc trong công tác ngăn mặn, giữ ngọt của bà con ở đây.
Hiện huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) có khoảng 36.000ha đất hệ ngọt đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn do ảnh hưởng của việc bơm chuyển cát vào thi công tuyến đường ống dẫn khí phục vụ Khu công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau. Hệ thống thủy lợi khá đồng bộ ở đây đã từng cải tạo nhiều vùng đất trũng, hoang hóa thành đất sản xuất; giúp nhiều tiểu vùng trồng một vụ lúa mùa sang sản xuất hai vụ lúa kết hợp vụ màu/năm cho hiệu quả kinh tế khá cao, nhất là mô hình sản xuất lúa - cá đồng, lúa - hoa màu, nuôi cá đồng thâm canh và bán thâm canh đạt từ 50 triệu đồng/ha/năm trở lên giúp cho một bộ phận nông dân ở đây xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng của huyện Trần Văn Thời, bỗng dưng chựng lại. Vì sao ư?
Theo tính toán của các nhà chuyên môn, để bơm chuyển 1m3 cát thì cần từ khoảng 1,5 đến 2m3 nước và để bơm đủ cát vào xây dựng cho công trình trên thì vùng ngọt này hứng chịu gần 2 triệu m3 nước mặn. Và như thế, bà con nông dân bị ép “mặn hóa” đất ruộng bởi không thể xả mặn bởi các kênh rạch quanh đấy đã bị xâm nhập mặn từ lâu. Chính quyền huyện Trần Văn Thời có buồn khi nhìn những mảnh ruộng đìu hiu vì bị “ép uống nước mặn” của nhà máy không nhỉ?
Không chỉ là công trình khí - điện - đạm “vô tình” biến vùng ngọt thành mặn mà Cà Mau còn phải trả giá khá đắt cho việc bơm nước mặn vào lâm phần rừng tràm U Minh Hạ để chữa cháy rừng năm 2003, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vùng ngọt hóa. Hậu quả là môi trường sống của con cá đồng bị phá vỡ, nguồn lợi thủy sản này cạn kiệt đến mức báo động; sản xuất lúa và trồng hoa màu sau một thời gian dài tích cực rửa mặn, giữ ngọt vừa mới khôi phục đã phát sinh nhiều bất lợi khác.
Đừng để tiền tỷ trôi sông
Trên thực tế, hệ thống thủy lợi của Cà Mau vẫn còn nhỏ bé, manh mún tạm bợ, thiếu đồng bộ và kém hiệu quả; tính an toàn không cao, thường dễ gây sự cố bị tràn bờ, xoáy lở, nhiễm mặn và ngập úng. Trong khi hệ thống thủy lợi cho sản xuất cây con hệ ngọt còn làm chưa tốt, thì Cà Mau lại phải đứng trước khó khăn về hệ thống thủy lợi dẫn mặn phục vụ nuôi trồng thủy sản. Để các vùng chuyển dịch sản xuất tiếp tục ổn định, đạt hiệu quả, Cà Mau cần đưa hệ thống thủy lợi vươn tới các vùng sâu mà lâu nay người sản xuất gặp rất nhiều khó khăn đang khát vọng đợi chờ sự đổi đời theo dòng nước... Theo Ban quản lý Dự án 1 (Bộ NN-PTNT), để hoàn thiện hệ thống thủy lợi của Cà Mau đòi hỏi nguồn vốn đến hơn 4,2 ngàn tỷ đồng. Số vốn ấy không nhỏ, do vậy làm thế nào để công trình đạt hiệu quả, không gây lãng phí là việc cần tính toán.
Vùng bán đảo Cà Mau có diện tích 1,6 triệu, giá trị sản xuất tương đương đồng bằng sông Hồng, nhưng mỗi năm có hơn 1 triệu hécta nhiễm mặn. Sau hơn 15 năm triển khai dự án ngọt hóa, mới chỉ hoàn thành đê biển từ sông Ông Đốc (Cà Mau) đến sông Cái Lớn (Kiên Giang), xây dựng một số cống đập...
Công trình cống đập âu thuyền Tắc Thủ được xây dựng tại hạ lưu ngã ba sông Đốc - Cái Tàu - sông Trẹm thuộc địa bàn các xã Khánh An, Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình và U Minh, tỉnh Cà Mau với vốn đầu tư gần 80 tỷ đồng, là công trình thủy lợi có quy mô lớn ở vùng bán đảo Cà Mau.
Sau hơn hai năm đưa vào hoạt động, công trình này chỉ mới dừng lại ở chỗ: duy trì sự liên tục của tuyến giao thông đường thủy huyết mạch nối các tỉnh phía Nam sông Hậu đi đến các tỉnh trong vùng và TPHCM nhưng nó chưa làm tròn chức năng ngăn mặn các con sông Gành Hào, sông Đốc… để bảo vệ cho khu vực hơn 204.000ha đất thuộc hệ ngọt.
Công trình âu thuyền Tắc Thủ cho đến giờ vẫn chưa hoàn thành, nhưng theo nhận định của một số nhà khoa học, nếu hoàn thành, âu thuyền Tắc Thủ cũng chỉ có tác dụng… cản trở giao thông, chứ không ngăn mặn hay giữ ngọt được, do cống Biện Nhị, Xẻo Rô trên sông Cái Lớn (Kiên Giang) chưa làm, không thể ngăn nước mặn từ sông Cái Lớn đổ vào vùng ngọt hóa. Một thông tin khác khiến người ta lo ngại về hiệu quả của công trình âu thuyền Tắc Thủ sẽ không cao đó là phía An Minh của Kiên Giang là vùng quy hoạch nuôi tôm sú! Như thế cống Biện Nhị hay Xẻo Rô có làm xong thì nước mặn cũng theo kênh xáng Chắc Băng đổ vào vùng ngọt hóa của Cà Mau.
Để thay lời kết, chúng tôi xin trích ý kiến của đồng chí Trương Tấn Sang – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng trong chuyến về thăm và làm việc tại đồng bằng sông Cửu Long: “Trung ương rất lo cho vùng chuyển dịch phía Nam. Ngăn mặn và giữ ngọt ra sao, thủy lợi phục vụ sản xuất theo các vùng quy hoạch sẽ như thế nào, là vấn đề cần phải làm rõ để có giải pháp hợp lý, kể cả sẽ đầu tư lớn, nếu thấy cần thiết”.
Giải quyết các mối quan hệ của vấn đề “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” cần dựa trên cơ sở phát huy cơ chế thị trường định hướng XHCN phù hợp với điều kiện thực tế từng vùng, giải phóng và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội: đất đai; sự hỗ trợ, đầu tư của nhà nước, biết kết hợp ứng dụng thành tựu khoa học – kỹ thuật, quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực… |
Bài 3: Ưu tư còn lại của câu chuyện lúa - tôm
PHẠM THỤC – MINH TRƯỜNG –CAO PHONG
Thông tin liên quan:
Bài 1: Chuyện “tam nông” ở vùng đất ông Thoại