Giá thành cao lại bị hàng giả, hàng nhái trà trộn là nguyên nhân chính khiến sản phẩm này khó tìm chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Trong khi đó, các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đã phát triển khá rầm rộ, đặc biệt từ khi xuất hiện các nhóm, diễn đàn trên mạng xã hội như: “Bỏ phố về rừng”, “Bỏ phố về quê”, “Nông nghiệp tử tế”.
“Cuộc chơi” không dành cho tay ngang
Trên các diễn đàn, từ khoảng năm 2021 đến nay, liên tục có những bạn trẻ khởi nghiệp và nhà đầu tư “than thở” về những hướng đi sai khi làm NNHC, trở ngại trong đầu tư nông nghiệp sạch, nông nghiệp tử tế… Nhiều trường hợp hoang mang, bối rối, không biết bắt đầu từ đâu hoặc quay đầu, làm lại như thế nào.
Theo chị Trần Thị Lan Anh, quê ở Nghệ An, sống ở Hà Nội, khởi nghiệp bằng mô hình NNHC ở huyện Kim Bôi (Hòa Bình), hồi đầu, nhiều người lựa chọn lĩnh vực trồng trọt (nhiều nhất là sản xuất các loại rau, trái cây) để khởi nghiệp. Cứ nghĩ trồng rau đơn giản, nhưng càng làm càng nản. Trồng rau hữu cơ không tốn kém chi phí phân bón như rau thường (sử dụng phân hóa học), nhưng quy trình kỹ thuật phải tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu canh tác tự nhiên. Vì thế, năng suất rất thấp và tốn nhiều chi phí nhân công, dẫn đến giá thành đắt gấp 2-3 lần rau thường.
Cũng khởi nghiệp bằng mô hình NNHC từ năm 2021 với diện tích thuê khoảng 10ha ở khu vực gần Hà Nội, anh Hoàng Hải Hậu cho biết, để làm rau một cách bài bản thì phải đầu tư nhà lưới, nhà màng, cải tạo cơ sở hạ tầng… với hàng trăm thứ chi phí, thủ tục phát sinh. Trung bình, vốn đầu tư cho 1ha khoảng 300 triệu đồng. Chi phí cao, làm ra được sản phẩm hữu cơ rất kỳ công, nhưng với nhiều người, đến lúc bán lại rất khó khăn.
Anh Hoàng Hải Hậu cũng như nhiều nhà đầu tư cho biết, do trồng rau hữu cơ có chi phí cao, giá bán phải gấp 2-3 lần rau thường, nên tiêu thụ chậm. Nếu bán rẻ hơn thì không có lãi. Vì lẽ đó, nhiều năm qua, thị trường của sản phẩm rau hữu cơ cũng như nông sản hữu cơ nói chung chủ yếu tập trung vào phân khúc khách hàng có thu nhập cao.
Không chỉ anh Hoàng Hải Hậu mà một số chủ trang trại rau hữu cơ ở Đà Lạt (Lâm Đồng) và quanh Hà Nội cho biết, khoảng 2-3 năm gần đây, thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ nói chung rất yếu do kinh tế khó khăn, nhiều gia đình đã cắt giảm mạnh chi tiêu. Đã vậy, theo anh Hoàng Hải Hậu, nông sản khó bảo quản được lâu nên dù bạn bè và các đầu mối, đối tác tiêu thụ rất ủng hộ nhưng do bán chậm, hàng để lâu bị hư nên dần mọi người cũng kém nhiệt tình.
Chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, rất nhiều nhà đầu tư đã bỏ cuộc sau 1-2 năm dốc vốn vào nông nghiệp sạch, NNHC ở các tỉnh như Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hòa Bình, Lào Cai…
Ở khu vực Tây Nguyên và miền Tây Nam bộ, nhiều mô hình khởi nghiệp từ NNHC cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Tại tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Lâm Đồng, Đồng Nai, Tiền Giang… nhiều chủ đã phải rao bán trang trại sau một vài năm đầu tư sản xuất nông sản (trong đó có NNHC).
Không ít người chia sẻ: “Cứ nghĩ làm nông nghiệp nói chung và NNHC là đơn giản, nhưng bắt tay vào thấy muôn vàn khó khăn, chưa kể còn cần trường vốn”.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, nông sản hữu cơ là mặt hàng rất kén chọn người tiêu dùng, cần phải được sản xuất nghiêm túc theo đúng nguyên tắc “6 thứ không được sử dụng”: phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ, giống biến đổi gene, thuốc kích thích tăng trưởng, hóa chất trong đất và nước.
Nhưng trên thực tế, cách hiểu về hữu cơ chưa rõ ràng, lại chưa giám sát chặt về quy trình sản xuất, đóng gói, tiêu thụ… nên người tiêu dùng chỉ còn biết trông đợi vào vai trò quản lý, kiểm tra và chứng nhận của cơ quan nhà nước.
Chọn thị trường ngách
Mặc dù đã có nhiều người thất bại nhưng cũng có không ít người gặt hái được "hoa thơm trái ngọt"; nhờ biết xây dựng chiến lược, lộ trình hợp lý hoặc tự biết lượng sức mình, hoặc chọn được “ngách” sản phẩm phù hợp để giảm sức ép cạnh tranh.
Chẳng hạn như anh Trần Phước Linh ở Đức Trọng (Lâm Đồng) đã tập trung vào các sản phẩm dành cho người bệnh. Không ít người bị bệnh có nhu cầu riêng biệt về rau và thực phẩm, gia vị hữu cơ nên anh Trần Phước Linh đã nghiên cứu để có những sản phẩm phù hợp.
Với nguồn lực nhỏ, ban đầu anh Linh chỉ đầu tư một vườn rau vài ngàn mét vuông, cung ứng khoảng 30 loại rau cho khách hàng. Về sau, nhiều người biết tiếng, đặt thêm các loại rau, củ khác, có lúc lên tới khoảng 100 loại, nên anh đã chủ động liên kết với nhiều trang trại nông sản hữu cơ có uy tín trong khu vực Lâm Đồng để cung ứng cho khách hàng.
“Nếu “ôm” canh tác cùng một lúc nhiều loại thì sẽ không kham được, còn chỉ chuyên canh vài loại rau, củ lại không đáp ứng được nhu cầu đa dạng, liên tục thay đổi của khách hàng, do đó phải xây dựng được một mạng lưới kết hợp sản xuất với liên kết để kinh doanh. Thậm chí phải có những người “ship” hàng quen để đưa hàng đảm bảo chất lượng tới tận tay khách hàng”, anh Trần Phước Linh chia sẻ.
Tuy nhiên, theo chủ một số trang trại NNHC, về cơ bản hiện nay, những trường hợp đầu tư thành công vẫn chủ yếu là nhờ trường vốn, hoặc là trang trại, chuỗi trang trại của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.
“Một số mô hình thành công như Chimi Farm, Bác Tôm… là do họ xây dựng được các chuỗi trang trại và xây dựng được thị trường, thương hiệu nên tiêu thụ thuận lợi hơn”, chủ một trang trại nhận xét.
Nông sản sạch và hữu cơ sẽ là xu thế
TS Nguyễn Đức Chinh - người sáng lập Nông trại GenXanh chia sẻ, các sản phẩm rau hữu cơ trong nông trại rộng 2,5ha của anh ở xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) hiện nay đang sản xuất theo mô hình “mùa nào rau nấy”, nhưng không thông qua các siêu thị mà được vận chuyển trực tiếp từ nông trại đến tận tay người tiêu dùng, đồng thời bày bán tại một số cửa hàng ở nội thành Hà Nội đã có liên kết tiêu thụ.
Do nông sản hữu cơ không thể sản xuất ồ ạt nên mỗi tuần nông trại của anh chỉ cung ứng ra thị trường Hà Nội khoảng 4-5 tấn rau xanh và rau gia vị. Đến nay, anh đã thiết lập được thêm 2 cơ sở tại Sa Pa (Lào Cai) và Hòa Bình, nhưng chưa dám phát triển thêm vì cần phải xây dựng được nhóm khách hàng quen thuộc, lâu dài thì mới mở mang theo định hướng đầu tư bền vững.
Bắt đầu khởi nghiệp với rau hữu cơ từ năm 2019 đến nay, mặc dù nhiều người đã bỏ để quay về canh tác theo kiểu rau truyền thống hoặc quay sang hướng sản phẩm khác, nhưng TS Nguyễn Đức Chinh vẫn tiếp tục theo đuổi hướng đi này, bởi anh từng có thời gian công tác tại Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, đã nghiên cứu sâu về kỹ thuật và các loại rau.
Do canh tác rau hữu cơ rất cầu kỳ nên thời gian qua, nông trại của anh còn là địa chỉ để nhiều bạn trẻ muốn khởi nghiệp và sinh viên các trường đến tham quan, học hỏi, nghiên cứu…
TS Nguyễn Đức Chinh tin rằng, tiêu dùng nông sản sạch và hữu cơ sẽ là xu thế trong các năm tới, khi tình trạng bệnh tật liên quan ăn uống ngày càng gia tăng, đồng thời mức sống của người dân Việt Nam đang nâng lên, tỷ lệ người giàu, có thu nhập cao đang tăng.
Nhiều rủi ro… khó lường
Trên thực tế có khá nhiều trường hợp chủ trang trại bị thiệt hại nặng do nhiều nguyên nhân. Câu chuyện của chị Bế Thị Phương Lan ở huyện Ba Bể (Bắc Kạn) phải đổ bỏ hàng tấn “rau sạch” cung ứng theo hợp đồng với một siêu thị lớn tại Hà Nội là một ví dụ.
Cụ thể, chị Lan hợp đồng với 10 gia đình (họ hàng) ở Ba Bể trồng rau an toàn, nhưng vào mùa rét, rau cải chậm lớn, các gia đình này đã lén lút bón phân, phun thuốc trị bọ nhảy, nên rau bị siêu thị trả lại toàn bộ sau khi “test” có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quy định. Mâu thuẫn trở nên căng thẳng khi họ hàng kéo đến đòi tiền (nợ), còn chị Lan không trả được.
Chị Nguyễn Thu Hà cũng chia sẻ, bản thân phải bỏ cuộc với mô hình cam hữu cơ ở huyện Cao Phong (Hòa Bình) vì không đảm bảo được chất lượng do những chủ vườn lân cận vẫn sử dụng rất nhiều thuốc trừ sâu để phun lên cam của họ, gây ảnh hưởng; đồng thời nguồn đất và nước ở đây đã tồn dư một lượng phân bón vô cơ, các chủng loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ… nên không thể làm được hữu cơ.