Nông nghiệp hữu cơ không nên phát triển tràn lan

Tại Diễn đàn Giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) do Hiệp hội NNHC Việt Nam (VOAA) phối hợp Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền tổ chức mới đây, các ý kiến đều cho rằng đây là hướng sản xuất nông nghiệp bền vững, thân thiện môi trường, đảm bảo sức khỏe con người, nhưng không nên phát triển ồ ạt.
Nông nghiệp hữu cơ không nên phát triển tràn lan
 Sản xuất hữu cơ và hướng hữu cơ 

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Việt Nam đang đương đầu với những thách thức lớn về an toàn thực phẩm do tình trạng sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Tình trạng ô nhiễm môi trường sống cũng có những tác động xấu đến chất lượng thực phẩm. Vì thế, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng tìm mua sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo và có thương hiệu uy tín trên thị trường. Trước tình hình này, việc định hướng phát triển một nền nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu là một yêu cầu tất yếu để đáp ứng hài hòa nhu cầu phát triển kinh tế, môi trường và xã hội. Theo xu hướng này, nông nghiệp hữu cơ được xem là một lĩnh vực mới nổi.

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đã xuất hiện ở 33/63 tỉnh - thành, trong đó có không ít mô hình đạt hiệu quả kinh tế khá cao, mở ra hướng đi mới trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Diện tích canh tác hữu cơ năm 2016 là 77.000ha, gấp 3,6 lần so với năm 2010. Về sản xuất nông sản hữu cơ, cả nước có 26 đơn vị tham gia với diện tích 4.100ha ở 15 tỉnh - thành, tập trung ở Hà Nội, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang, Hà Nam, Lâm Đồng, Cà Mau, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu... Bến Tre là tỉnh có diện tích canh tác hữu cơ nhiều nhất, với hơn 3.050ha (chủ yếu là dừa). Một số mô hình khá hiệu quả như nuôi cá basa hữu cơ tại An Giang, nuôi tôm sinh thái ở rừng ngập mặn Cà Mau đã có chứng nhận hữu cơ với diện tích khoảng 10.000ha, xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Có 33 cơ sở sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ, tức là mới chú trọng đến sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, với gần 1.200ha lúa, 90ha rau, hơn 284ha nho và 79ha táo. 

Tuy nhiên, việc sản xuất NNHC hiện nay theo nhận định của nhiều người, cơ hội thì ít mà khó khăn thách thức thì nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do quy trình sản xuất khắt khe, phải có thời gian khá dài để cải tạo đất, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, chi phí chứng nhận cao và thủ tục phức tạp. Theo ông Võ Minh Khải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại Viễn Phú, cần có sự nhìn nhận đầy đủ và toàn diện về NNHC. Làm NNHC, bên cạnh yêu cầu về đất và nước đạt chuẩn (phải mất thời gian 3 năm mới có thể cải tạo vùng đất đạt các yêu cầu NNHC), còn cần có nông dân hiểu biết về quy trình sản xuất ra sản phẩm hữu cơ; sau đó là khâu thu hoạch, sơ chế, vận chuyển và phân phối, sao cho khi hàng hóa đến tay người tiêu dùng phải truy xuất được nguồn gốc và phải đạt chuẩn. Như vậy, sản xuất NNHC là một chuỗi liên hoàn. 

Thị trường quyết định 

Theo bà Vũ Kim Hạnh, thị trường là yếu tố quyết định đến sự thành bại của việc sản xuất NNHC. Nhìn thị trường, cần thấy rõ, phát triển NNHC không thể và cũng không cần nhảy vọt. GS Nguyễn Ngọc Kính, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ NN-PTNT), cho rằng NNHC là một trong những phương thức canh tác để sản xuất ra các sản phẩm an toàn. Ưu điểm vượt trội của phương thức này là thân thiện với môi trường. Nhưng sản xuất NNHC có những điều kiện nghiêm ngặt, sản phẩm hữu cơ có giá thành cao nên giá bán rất cao so với sản phẩm sạch và an toàn sản xuất theo VietGAP hay GlobalGAP. Một người thu nhập trung bình hay thấp khó có điều kiện để mua. Đơn cử như hiện nay, sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP giá cao hơn một chút mà đã không dễ tiêu thụ. Diện tích sản xuất NNHC tăng lên, nhu cầu ban đầu có sự tăng trưởng mạnh, nhưng cũng phải tỉnh táo nhìn nhận, sản phẩm hữu cơ chỉ là một phân khúc nhỏ trong nông nghiệp chất lượng cao của thị trường rộng lớn, dành cho những người kỹ tính và giới có thu nhập khá cao trở lên. Một chủ cửa hàng kinh doanh thực phẩm cho biết, khoảng 40% khách hàng nhìn giá để mua sản phẩm, khoảng 30% chú ý đến vấn đề an toàn cho sức khỏe. Số còn lại chưa có chủ kiến rõ ràng.

NNHC là xu thế, là an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường, nhưng đừng ngộ nhận đây là cứu cánh cho nền nông nghiệp, càng không có nghĩa là cách duy nhất để đảm bảo nông sản an toàn thực phẩm. Điều quan trọng là quản lý và kiểm soát cho được các phương thức canh tác này để khi ra thị trường sản phẩm phải đúng “tiền nào của nấy”, rõ ràng, minh bạch để người tiêu dùng lựa chọn tùy theo nhu cầu và khả năng. Sản phẩm hữu cơ là bước sản xuất cao hơn, khó khăn hơn và kén chọn hơn. Không phải nơi nào cũng có thể sản xuất vì điều kiện đất đai, nguồn nước phải đảm bảo, phải được quản lý, kiểm soát và phải tách biệt với vùng sản xuất truyền thống để tránh vấy nhiễm.
|
Vì vậy, theo GS Nguyễn Ngọc Kính, chỉ nên sản xuất khi có đơn đặt hàng, có sự kết nối giữa người sản xuất với doanh nghiệp. Nếu làm tràn lan mà không có nơi tiêu thụ sẽ gây thiệt hại cho người sản xuất. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, với NNHC phải có bước đi phù hợp, không phát triển tràn lan. Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp phát triển NNHC, với hộ hay tổ nhóm thì chỉ khuyến khích sản xuất theo hướng NNHC.

Tin cùng chuyên mục