Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ
Tỉnh Đồng Nai hiện có diện tích ứng dụng công nghệ sản xuất theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt hoặc tương đương đạt chứng nhận là 2.052,75ha (tăng 418ha so với năm 2021), trong đó rau VietGAP 302,69ha, cây ăn quả 1.139ha các loại xoài, thanh long, sầu riêng, chôm chôm và cây tiêu đạt chứng nhận VietGAP là 107ha. Xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc) có hơn 500ha thanh long đang cho người nông dân thu nhập cao. Gia đình ông Thái Văn Nam trước đây sống dựa vào cây điều nhưng giá cả bấp bênh nên năm 2010, ông chuyển 5.000m2 sang trồng thanh long ruột đỏ (500 trụ) và sau 3 năm vườn thanh long cho thu hoạch. Với năng suất bình quân 40-50 tấn/ha, gia đình ông thu được lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng, cao gấp hàng chục lần so với trồng điều.
Thực hiện dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn sinh sản năng suất, chất lượng cao tăng cường các biện pháp an toàn sinh học tại các tỉnh phía Nam”, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi lợn Bình Thắng (xã Bình Minh, huyện Trảng Bom) vừa chuyển giao 60 lợn nái hậu bị bố mẹ có khả năng sinh sản cao, chất lượng tốt cho 3 hộ dân trên địa bàn. Các hộ dân cũng được hỗ trợ 50% giá con giống, thức ăn, thuốc thú y, sát trùng chuồng trại đến khi heo sinh sản. Hiện người chăn nuôi rất vui mừng khi đón nhận kết quả nghiên cứu giống sinh sản mới và nhận thức của người dân trong việc kiểm soát chất lượng con giống cũng từng bước thay đổi, từ đó nâng cao hiệu quả chăn nuôi, cải thiện thu nhập.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, tỉnh hiện có 145 trang trại, 7 tổ hợp tác (53 hộ thành viên) được chứng nhận VietGAP với tổng sản lượng 133.813 tấn, tỷ lệ cơ sở sản xuất chăn nuôi được xử lý chất thải bằng biogas hoặc các giải pháp công nghệ xử lý, sử dụng hiệu quả, sạch đạt 83,91% và 1.138 trang trại heo, bò, gà đăng ký khai báo được xác nhận thông tin trên phần mềm Te-Food (tỷ lệ 67,34% tổng số trang trại heo, bò, gà). Việc từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chăn nuôi góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí trong sản xuất, sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo phân bón hữu cơ phục vụ ngành trồng trọt.
Hướng tới xuất khẩu
Khu vườn trồng chanh lấy lá rộng hơn 5ha tại xã Bàu Cạn (huyện Long Thành) do 2 anh Lê Kim Tiến, Nguyễn Văn Hiệp làm chủ. Chủ vườn nói không với chất hóa học và đây cùng là những người tiên phong đưa giống chanh Thái về vùng đất Đồng Nai. Trung bình 3 tháng, khu vườn cho khoảng 2 tấn sản phẩm lá chanh sạch, giá ổn định 150.000-170.000đồng/kg,được tiêu thụ trong nước, xuất khẩu các thị trường khó tính như châu Âu, để sản xuất tinh dầu. Chanh còn được sấy khô nguyên lá, thái sợi và xay thành bột bán cho các nhà máy chế biến thực phẩm, gia vị.
Tỉnh Đồng Nai có 13.149ha trồng chuối (chiếm 8,53% diện tích trồng chuối cả nước) được trồng tập trung ở các huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán với năng suất trung bình khoảng 40-45 tấn/ha (tiềm năng có thể đạt 50-55 tấn/ha), sản lượng ước tính 450.000 tấn/năm. Năm 2022, tỉnh đã xuất khẩu hơn 400.000 tấn chuối, dự kiến năm 2023 xuất khẩu hơn 500.000 tấn. Hiện Trung Quốc chính thức nhập khẩu chính ngạch trái chuối tươi của Việt Nam là tín hiệu tốt cho người trồng chuối.
Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN- PTNT tỉnh Đồng Nai, đánh giá, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm tại các địa phương còn chậm, sản xuất thức ăn chăn nuôi phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu (70%-80% nguyên liệu nhập khẩu), giá thành sản xuất cao và thị trường tiêu thụ không ổn định. Hiện các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân đã nâng cao nhận thức về sự hợp tác, liên kết và tiêu thụ, từ đó hình thành các chuỗi sản xuất ổn định trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới xuất khẩu sản phẩm nông sản.
Cục Hải quan Trung Quốc vừa phê duyệt cấp mã số 5 vùng trồng chuối với diện tích 600ha, 7 vùng trồng sầu riêng với diện tích 500ha và 2 cơ sở đóng gói chuối, 3 cơ sở đóng gói sầu riêng được cấp mã số để xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Lũy kế đến nay, tỉnh có 120 vùng trồng đã được cấp mã số và 58 cơ sở đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, Australia, New Zealand. Cục Bảo vệ thực vật đã cấp 51 mã số cho cơ sở đóng gói các sản phẩm chuối, thanh long, nhãn, vải, mít, xoài, chôm chôm, dưa hấu, sầu riêng đi thị trường Trung Quốc.