Nắm bắt nhu cầu thị trường cũng như đáp ứng nguyện vọng của người dân, Trung tâm Khuyến nông TPHCM mạnh dạn đầu tư mô hình trình diễn trồng hoa cát tường, quy mô 16.000 chậu/4.000m² cho 6 hộ ở 2 phường Thới An và An Phú Đông của quận 12 sản xuất.
Triển khai từ tháng 9-2018, áp dụng quy trình kỹ thuật trồng hoa cát tường giống Eustoma grandiflorum - giống hoa kép sản xuất tại Đà Lạt (với các màu trắng viền tím, hồng nhạt), cây trồng trong chậu đường kính 25cm, chiều cao từ 5 - 7cm có 5 - 6 lá/cây. Sau hơn 4 tháng triển khai, trước tết vừa qua, trung tâm đã tổng kết và đánh giá, đây là mô hình đạt hiệu quả cao, tỷ lệ cây sống trên 90%, tỷ lệ ra hoa 90%/tổng số cây. Sử dụng giống mới, áp dụng công nghệ tiên tiến nên sau khi trồng 3 tháng, số hoa bình quân 10 - 15 hoa/chậu, đường kính từ 4 - 5cm, chiều cao cây khoảng 35 - 45cm, hoa có màu sắc sáng, đẹp. Qua đó, cho thấy hoa cát tường sinh trưởng tốt với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở TPHCM, nhất là ở quận 12.
Theo anh Nguyễn Hoàng Sơn ngụ tại số 354 Lê Văn Thọ, khu phố 4, phường Thới An), nhằm đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, Trung tâm Khuyến nông TP cần đa dạng thêm nhiều mô hình về trồng hoa cấy mô, kiểng lá… để giúp nông dân có điều kiện phát huy nghề trồng hoa. Ông Nguyễn Hữu Bình, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hiệp Thành, quận 12, nhận xét: “Từ ghi nhận của nông dân cũng như kết quả mô hình, tôi thấy hoa cát tường phù hợp với vùng đất có truyền thống trồng hoa ở quận 12. Đề nghị Trung tâm Khuyến nông TPHCM tiếp tục hỗ trợ mô hình để nông dân tham gia. Lợi thế của nông dân trồng hoa phường Hiệp Thành là có đất riêng, không phải đi thuê, đây là điều kiện thuận lợi giúp nông dân có điều kiện cơ cấu lại sản xuất, tăng thêm thu nhập”.
Ông Phạm Lâm Chính Văn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TPHCM, ghi nhận góp ý của người dân, đoàn thể địa phương và cho rằng, quận 12 có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhưng là quận có nghề truyền thống trồng hoa - rau - cây kiểng, nên khi được trung tâm hỗ trợ mô hình, người dân dễ dàng tiếp nhận và đạt hiệu quả cao, góp phần nâng thêm thu nhập, thực hiện đúng chủ trương phát triển hoa - cây kiểng, nhóm sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp đô thị TP. Nhưng mong muốn của trung tâm với nông dân trồng hoa ở quận 12 không dừng ở đó, mà còn là cầu nối’giúp nông dân có thể ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư và tiêu thụ sản phẩm. Để phát triển ngành nghề căn cơ cần có sự liên kết, hợp tác một cách bài bản, thay vì dừng lại ở những mô hình đơn lẻ của nông dân hiện nay. Do đó, Trạm Khuyến nông quận 12 nên có kế hoạch tổ chức các buổi hội thảo liên quan đến sản xuất hoa ở địa phương, mời các doanh nghiệp, nông dân tham gia giao lưu, trao đổi, tìm hướng đi mới cho nông dân ở đây, không chỉ sản xuất hoa nền vào mỗi dịp tết mà có thể tiến tới sản xuất quanh năm, đáp ứng nhu cầu của người dân TP.
Hiện tại có hơn 70% lượng hoa sử dụng hàng ngày tại TPHCM đến từ các tỉnh Lâm Đồng (nhất là TP Đà Lạt), Đồng Tháp, Bến Tre… Nếu việc thực hiện tốt, có thể tính tới việc phát triển thêm các vùng hoa với thương hiệu riêng, tạo việc làm ổn định cho người dân vùng ven và ngoại thành phù hợp với ngành nông nghiệp đô thị, góp phần đưa nghề trồng hoa - cây kiểng phát triển, là mũi nhọn của nông nghiệp TPHCM.