Ngày 23-11, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội nghị Tổng kết thực hiện năm thứ nhất và kế hoạch năm thứ hai giai đoạn II (2017-2021) các tỉnh thành phía Nam trong Chương trình cùng nông dân bảo vệ môi trường để gắn liền với chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững do ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT chủ trì, cùng với nhiều doanh nghiệp, các tỉnh thành phía Nam tham dự.
Chương trình khởi điểm từ vụ Đông Xuân 2012-2013 do Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Trung Tâm BVTV phía Nam, 22 tỉnh thành kết hợp cùng Tập Đoàn Lộc Trời thực hiện tại các xã xây dựng nông thôn mới. Tại các mô hình đã thực hiện thì nguồn lợi thủy sản được tái tạo khá rõ nét, cá đồng, ếch nhái, chim cò xuất hiện ngày càng nhiều là dấu hiệu cho thấy môi trường đang cải thiện tốt.
Giai đoạn I (2012- 2017), Chương trình đã đạt được rất nhiều thành công trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hướng dẫn nông dân từ khâu sử dụng nông dược an toàn hiệu quả cho đến khâu tiêu hủy vỏ bao bì thuốc BVTV, đồng thời thông qua các mô hình ruộng lúa bờ hoa để tạo ra cảnh quan tươi đẹp ở nông thôn.
Giai đoạn II (2017 – 2021) với sự chung tay thực hiện của 18 doanh nghiệp kinh doanh nông dược, Chương trình này đã ngày càng lớn mạnh về quy mô và có vai trò to lớn hơn đối với việc bảo vệ hệ sinh thái, hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững, góp phần nâng cao thương hiệu nông sản Việt Nam.
Trải qua hơn 7 năm, Chương trình đã đào tạo 531 giảng viên, nhờ vậy mà thực hiện hơn 16.366 cuộc hội thảo với 658.585 nông dân tham dự tại 22 tỉnh thành, tập huấn cho 4.900 sinh viên. Thu gom hơn 60.762 kg bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng ngoài đồng ruộng và được đem tiêu hủy tại nhà máy xi măng Insee Việt Nam. Ngoài ra, khám sức khỏe định kỳ cho nông dân của 10 câu lạc bộ và thực hiện 25 chuyến khám chữa bệnh cho 9.295 nông dân nghèo tham gia Chương trình.
Nông dân còn trồng hoa trên bờ để dẫn dụ thiên địch, kiểm soát các loại sâu hại, thiết lập sự cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng… giảm đáng kể số xử lý nông dược, giảm chi phí đầu tư và nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân.
Bên cạnh đó, Chương trình còn triển khai nghiên cứu và ứng dụng vào sản xuất tại ĐBSCL như tưới nước tiết kiệm, luân phiên xen kẽ giữa ướt và khô trên cây lúa, cơ giới hóa trong cấy lúa, chôn vùi toàn bộ phân bón hóa học một lần dưới sâu, sử dụng rơm rạ làm phân bón hữu cơ tại ruộng, khai thác giá trị gia tăng của rơm cuộn trong trồng lúa.
Hiện tại, Chương trình đã hình thành 167 mô hình tiêu biểu có tổng diện tích hơn 8.290 ha tại các xã xây dựng nông thôn mới ở 22 tỉnh thành, với sự tham gia trực tiếp của hơn 7.713 hộ nông dân, trong đó 756 hố chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng.