Theo Bộ NN-PTNT, năm 2021 chồng chất khó khăn do thời tiết - thiên tai và dịch bệnh, nhưng giá trị gia tăng toàn ngành tăng 2,85 - 2,9%. Trong đó nông nghiệp tăng trên 3,18%; lâm nghiệp tăng trên 3,85%; thủy sản tăng trên 1,85%; tỷ lệ che phủ rừng 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 68,2%; kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 48,6 tỷ USD.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, nhận diện về những khó khăn, thách thức trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngay từ đầu năm, Bộ NN-PTNT đã xác định: Khó khăn nhiều, thách thức lớn nhưng phải hết sức bình tĩnh, nóng nhưng không vội, để cùng nhau chung sức, đồng lòng thực hiện nhiệm vụ một cách chủ động, sáng tạo, hiệu quả, biến nguy thành cơ, từng bước phát huy lợi thế; nhất là chuẩn bị các điều kiện để kịp thời khôi phục, phát triển sản xuất; vừa đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho 100 triệu dân trong nước, vừa phục vụ xuất khẩu. Nhờ vậy, nhiều chỉ tiêu phát triển của ngành đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với ngành nông nghiệp, là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025); toàn ngành sẽ tập trung thực hiện quyết liệt cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng nền “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Chỉ tiêu cơ bản của năm 2022 mà Bộ NN-PTNT đề ra: Tốc độ tăng trưởng toàn ngành 2,8 - 2,9%. Tốc độ tăng giá trị sản xuất 2,9 - 3,0%. Tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 49 tỷ USD. Tỷ lệ số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới trên 73%. Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 92,5%. Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42% và nâng cao chất lượng rừng. |