Tiếp tục đưa thanh nhiên Việt Nam sang Nhật
Phát biểu tại sự kiện này, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, các thực tập sinh Việt Nam đăng ký tham gia chương trình sẽ được miễn phí đào tạo, tiền ăn học. Từ chuyến đi thực tế tới Nhật Bản, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá các nghiệp đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản đã chăm lo khá tốt về nơi ăn chốn ở, công việc cho các thanh niên Việt Nam tại các công xưởng, doanh nghiệp lớn ở nước này.
Cùng với hỗ trợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thưởng lễ tết, tổ chức sinh nhật… “các doanh nghiệp, nghiệp đoàn ở đây còn tạo điều kiện cho các em có nguồn thu nhập”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Được ký kết lần đầu tiên vào năm 2006, thỏa thuận về việc đưa thực tập sinh Việt Nam sang thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản đã được ký lại vào các năm 2010, 2016. Đến nay, hai bên đã tổ chức tuyển chọn, đào tạo và phái cử 7.734 thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản, trong đó có 6.852 thực tập sinh xuất cảnh lần đầu và 882 thực tập sinh tái nhập cảnh.
Đây là chương trình phi lợi nhuận với quy trình tuyển chọn đảm bảo thông tin rộng rãi, công khai, minh bạch trên các kênh truyền thông đại chúng. Người lao động tham gia chương trình không mất tiền phí dịch vụ, chỉ phải nộp các khoản chi phí cá nhân như xin cấp hộ chiếu, visa, chi phí khám sức khỏe, tiền ký túc xá trong thời gian tham dự khóa đào tạo dự bị và tự túc tiền ăn; được hỗ trợ tiền học phí và ký túc xá trong thời gian đào tạo chính thức.
Tại Nhật Bản, các thực tập sinh Việt Nam được đào tạo tay nghề, rèn luyện kỹ năng và tác phong làm việc. Nhiều thực tập sinh sau khi hoàn thành chương trình về nước được giao đảm trách các vị trí quản lý tại các chi nhánh của công ty Nhật Bản tại Việt Nam hoặc tự khởi nghiệp thành công.
“Thực tập sinh hoàn thành chương trình thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản về nước đúng thời hạn được nhận khoản tiền khuyến khích phát triển sự nghiệp tại Việt Nam trị giá khoảng 600.000 yên (3 năm thực tập) hoặc 1 triệu yên (5 năm thực tập) - tương đương 100 - 180 triệu đồng”- Văn phòng Bộ LĐTB-XH cho biết số tiền này cùng với số tiền mà thực tập sinh Việt Nam đã tích lũy được trong thời gian thực tập tại Nhật Bản, đã giúp cho nhiều bạn trẻ Việt Nam sau khi về nước có số vốn khá để lập nghiệp, góp phần phát triển kinh tế gia đình.
Chương trình được ký năm nay có một vài điểm mới như: mở rộng độ tuổi tuyển chọn từ 18-30 tuổi (trước đây chỉ 20-30 tuổi); tăng chi phí hỗ trợ tiền ký túc xá trong thời gian đào tạo tại Việt Nam cho người lao động; bổ sung mức chi trả tiền nhà tại Nhật Bản cho thực tập sinh không vượt quá 15% tiền lương cơ bản… |
Đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài
Chiều cùng ngày tại Hà Nội, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã tổ chức cuộc họp thông tin kết quả đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2022.
Theo thống kê, kể từ đầu ngày 1-1 đến ngày 15-6, sau khi hàng loạt thị trường lần lượt mở cửa tiếp nhận lao động trở lại, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 51.677 người (nhiều nhất là Nhật Bản với hơn 32.000 người và Đài Loan hơn 15.000 người); còn lại là Hàn Quốc, Singapore, Hungary, Ba Lan…
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong 2 năm 2020 và 2021, các doanh nghiệp Việt Nam đã tuyển chọn được hơn 80.000 người lao động để đưa ra nước ngoài làm việc. Nhưng do ảnh hưởng của đại dịch nên trong số đó, có nhiều người chưa thể xuất cảnh.
Đến thời điểm này, các thị trường truyền thống đang tăng cường tiếp nhận lao động trở lại do nền kinh tế phục hồi, nhu cầu gia tăng. Cùng với nỗ lực thúc đẩy ký kết thoả thuận hợp tác lao động với các thị trường mới nổi như: Đức, Nga, Israel và một số nước châu Âu khác... Cục Quản lý lao động ngoài nước nhận định: “Kế hoạch đưa 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài năm 2022 là hoàn toàn khả thi”.