Theo báo cáo, các thông số môi trường trong không khí (như NOx, SOx, CO...) có giá trị khá thấp, đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về chất lượng không khí xung quanh (theo QCVN 05:2013/BTNMT) và không có nhiều biến động so với những năm trước.
Tuy nhiên, nồng độ bụi cục bộ tại một số khu vực trong một số đô thị, đặc biệt tại các khu vực đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM có giá trị hơi vượt Quy chuẩn Việt Nam (QCVN), nhưng mức độ ô nhiễm đang có xu hướng giảm dần.
Điều này thể hiện ở nồng độ bụi mịn PM2.5 (tổng các hạt bụi lơ lửng có đường kính khí động học nhỏ hơn hoặc bằng 2,5μm) và nồng độ bụi lơ lửng (TSP) trung bình năm trong giai đoạn từ năm 2016 - 2018 có sự dao động nhẹ, giảm hơn so với giai đoạn trước (2013-2015). Nguyên nhân là do hoạt động xây dựng diễn ra phổ biến trong các khu vực nội đô và lượng phương tiện cơ giới tham gia giao thông gia tăng, nhất là vào các khung giờ cao điểm.
Tại thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh) miền Bắc, ô nhiễm bụi vào thời gian mùa đông và đầu xuân tăng cao hơn những mùa khác trong năm. Đây cũng là hiện tượng thường gặp trong nhiều năm qua và có tính quy luật. Ô nhiễm bụi mịn tăng cao vào thời gian tháng 12, tháng 1 - 2 và có thể kéo dài sang tháng 3 năm sau. Đánh giá theo chỉ số chất lượng không khí (AQI) trong thời gian vừa qua cho thấy, phần lớn thời gian, chất lượng không khí tại các khu vực có trạm đo ở mức tốt và trung bình. Một số trạm đo tại Hà Nội (Khu vực Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu, Minh Khai) có chất lượng không khí kém hơn. Đây là những khu vực có mật độ phương tiện giao thông cao, cộng với các công trình xây dựng, nâng cấp hạ tầng đô thị đang diễn ra làm phát sinh một lượng bụi lớn vào môi trường.
Về giải pháp, tuy không nêu riêng cho xử lý ô nhiễm không khí, Bộ trưởng TRần Hồng Hà cho biết, cần tăng cường đầu tư xây dựng và thực hiện các chương trình quan trắc và cảnh báo môi trường, nhất là tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường; quan trắc môi trường xuyên biên giới. Tiến hành quan trắc, giám sát chặt chẽ diễn biến chất lượng môi trường nước các lưu vực sông, chất lượng không khí trong các đô thị lớn; kết nối số liệu quan trắc Trung ương và địa phương; kết hợp số liệu quan trắc nguồn thải với quan trắc chất lượng môi trường để dự báo, xác định nguyên nhân và có các giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời.