Tại vùng Đồng Tháp Mười (huyện Tân Phước, Tiền Giang), thời gian qua, để thích ứng với nguồn nước nhiễm phèn, mặn, ngành chức năng huyện Tân Phước đã hướng dẫn người dân chuyển đổi canh tác theo hướng đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, phát triển rau màu các loại rau màu ở những địa bàn phù hợp như các loại dưa, khoai mỡ, khoai mì… bước đầu cho hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Qua tìm hiểu, biết được cây khoai mỡ là cây trồng thích ứng phát triển tốt trên vùng đất nhiễm phèn Đồng Tháp Mười nên ông Hồ Phước Bình, xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước đã chuyển đổi 1ha ruộng lúa kém hiệu quả sang trồng khoai mỡ và khoai mì. Trung bình mỗi năm, ông Bình thu hoạch được khoảng 15 tấn với giá từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg tùy thời điểm.
Theo ngành chức năng huyện Tân Phước, những địa phương đi tiên phong trong phát triển cây màu thực phẩm trên vùng đất nhiễm phèn Đồng Tháp Mười nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và giảm nhẹ thiên tai là các xã Tân Hòa Thành, Tân Hòa Tây, Thạnh Mỹ…
Phòng NN-PTNT huyện Tân Phước (Tiền Giang) cho biết, trong 10 tháng đầu năm, nông dân toàn huyện đã trồng được 1.524ha rau màu thực phẩm các loại, đạt 101,6% chỉ tiêu cả năm.
Hiện, nông dân đã thu hoạch được 1.426ha. Với năng suất bình quân 20,7 tấn/ha, đạt sản lượng rau màu các loại trên 29.500 tấn; trong đó có 304 ha dưa hấu, tập trung nhiều nhất tại xã Phước Lập và xã Thạnh Hòa. Trong đó, dưa hấu Tân Phước đạt năng suất bình quân 22,35 tấn/ha và sản lượng toàn vùng đạt gần 6.800 tấn.
Ngoài cây màu thực phẩm, trong năm nông dân huyện Tân Phước còn trồng được gần 550ha màu lương thực, chủ lực là khoai mỡ với 512 ha, còn lại là khoai mì.