Nông dân và doanh nghiệp ở ĐBSCL còn nhiều trở ngại khi tiếp cận tín dụng

Sáng 18-11, tại TP Cần Thơ, Báo Đại Biểu Nhân Dân tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực, đưa ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững”. Tham dự hội thảo có ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ; lãnh đạo nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL; đại diện các ngân hàng; chuyên gia kinh tế...

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá ĐBSCL có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành nông nghiệp, là vùng sản xuất và xuất khẩu thủy sản, lúa gạo và rau quả lớn nhất của cả nước. Tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được các tổ chức tín dụng quan tâm đầu tư. Đặc biệt, dòng vốn tín dụng của ngành ngân hàng đã tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh, chủ lực của khu vực ĐBSCL. Ngoài tiềm năng của một trung tâm sản xuất nông nghiệp của cả nước, ĐBSCL còn cho thấy có tiềm năng về phát triển công nghiệp như công nghiệp chế biến nông, thủy, hải sản; đầu tư vào công nghệ cao nuôi trồng, canh tác, bảo quản nông, thủy, hải sản.

03.jpg
Nông dân miền Tây còn gặp nhiều trở ngại khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng

Tuy nhiên, theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, việc tiếp cận nguồn tín dụng để phát triển ngành hàng nông sản chủ lực ở ĐBSCL hiện đang gặp nhiều khó khăn như rủi ro thiên tai - biến đổi khí hậu. Những rủi ro này làm cho các tổ chức tín dụng ít nhiều e ngại khi cho vay, vì ngành nông sản ở đây phụ thuộc nhiều vào thời tiết và thiên nhiên. Ngoài ra, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và manh mún - phần lớn nông hộ ở ĐBSCL có quy mô sản xuất nhỏ, chưa có sự liên kết chặt chẽ, làm cho việc áp dụng công nghệ và quản lý trở nên khó khăn. Điều này khiến các ngân hàng khó kiểm soát và khó đánh giá chính xác về rủi ro tín dụng. Nhiều nông hộ và hợp tác xã chưa có kỹ năng quản lý tài chính tốt và hệ thống sổ sách rõ ràng. Điều này khiến các tổ chức tín dụng khó đánh giá khả năng trả nợ, dẫn đến e ngại khi cung cấp vốn.

Lô gạo của Lộc Trời xuất khẩu sang Indonesia (1).JPG
Nhiều doanh nghiệp trong ngành hàng lúa gạo "than phiền" khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng nên đã "chia tay" trong sự liên kết sản xuất theo cánh đồng lớn

Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ Trung An, ở ngành hàng lúa, gạo trong 2 năm gần đây chỉ còn lại 2 doanh nghiệp còn duy trì cánh đồng liên kết khá hoàn chỉnh, đó là Công ty Trung An ở Cần Thơ và Tập đoàn Lộc Trời ở An Giang. Trong khi từ năm 2011 - 2017, có rất nhiều doanh nghiệp, HTX, nông dân tham gia thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn ở khắp các tỉnh thành vùng ĐBSCL, nhưng do không tiếp cận được vốn vay để đáp ứng thanh toán cho các khâu trong chuỗi liên kết nên các cánh đồng liên kết bị teo nhỏ dần!

Ngoài ra, do thiếu các giải pháp bảo hiểm cho sản xuất nông nghiệp, rủi ro thiên tai ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng trả nợ của nông dân, khiến các ngân hàng thêm thận trọng trong việc cung cấp tín dụng”, ông Trần Việt Trường Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chia sẻ thêm.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về thực trạng và giải pháp nguồn vốn nông nghiệp - nông thôn; tiếp cận tín dụng cho nông sản chủ lực ở ĐBSCL - từ góc nhìn doanh nghiệp; giải pháp mở rộng tín dụng cho các ngành hàng nông sản chủ lực tại ĐBSCL… Trong đó, các đại biểu dành nhiều thời gian để đánh giá hiện trạng vốn tín dụng đang được cấp cho các ngành hàng như lúa gạo, thủy sản, trái cây; những khó khăn, thách thức doanh nghiệp, nông dân gặp phải trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đặc biệt là tín dụng ưu đãi; thảo luận về việc đẩy mạnh liên kết tín dụng trong chuỗi giá trị nông sản…

Theo TS Trần Du Lịch, thúc đẩy ngành nông nghiệp ĐBSCL phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, nguồn vốn tín dụng cần tập trung đầu tư vào các khu, cụm chế biến nông sản, hình thành các vùng nguyên liệu nông sản, từng bước hoàn thiện hệ thống logistics là những bước căn cơ .

Tin cùng chuyên mục