Ngày 18-2, Bộ NN-PTNT tổ chức cuộc họp với các tỉnh ĐBSCL về tình hình sản xuất nông nghiệp đầu năm 2021.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), vụ đông xuân 2020- 2021, toàn vùng ĐBSCL sản xuất hơn 1,5 triệu ha, giảm 30.000 ha so với vụ đông xuân 2019-2020; năng suất ước đạt 69,31 tạ/ha, tăng 0,96 tạ/ha; sản lượng 10,5 triệu tấn…
Đến nay, các tỉnh ĐBSCL đã thu hoạch hơn 350.000 ha lúa đông xuân, dự kiến đến hết tháng 2-2021 thu hoạch 550.000 ha. Điều đáng mừng là lúa đang được giá cao, hiện thương lái thu mua khoảng 6.800 – 7.000 đồng/kg lúa chất lượng cao; từ 7.000 – 7.500 đồng/kg lúa thơm; từ 7.500 – 8.000 đồng/kg đối với nếp… đảm bảo cho nông dân đạt lợi nhuận khá cao.
PGS TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam lưu ý, nguồn nước ở lưu vực sông Mekong hiện nay thấp hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 0,12m. Xâm nhập mặn đang cao hơn trung bình nhiều năm từ 6-13km; ở sông Hàm Luông mặn 4g/l vào sâu 56km, sông Cổ Chiên vào 51km, sông Cái Lớn vào 50km, sông Hậu vào 45km…
Dự báo trong cuối tháng 2 và tháng 3-2021, các vùng ven biển ĐBSCL sẽ gặp khó khăn về nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Trong đó, khoảng 37.800 ha lúa đông xuân vụ 2020- 2021 ở các vùng ven biển ĐBSCL và khoảng 40.000- 50.000 ha cây ăn trái có nguy cơ gặp khó khăn về nguồn nước…
Trước tình hình trên, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, đề nghị các tỉnh cần có kế hoạch sử dụng nguồn nước hợp lý, dự trữ cho cả mùa khô; bố trí lại lịch sản xuất nông nghiệp phù hợp, ở các vùng ven biển nên làm sớm hơn. Các địa phương nhanh chóng đắp các đập tạm vừa chống mặn, vừa tích trữ nước ngọt, nhất là trữ trong các ao mương phục vụ tưới cho vườn cây ăn trái. Theo dõi chặt diễn biến hạn mặn để thông báo kịp thời cho người dân phòng tránh, hạn chế thiệt hại…
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, sản xuất lúa vụ này thuận lợi nhờ được giá cao và dễ tiêu thụ. Tuy nhiên, tình hình thời tiết cực đoan, hạn mặn gay gắt… nên các tỉnh cần chủ động kế hoạch cho các vụ sau hợp lý, tránh bị ảnh hưởng.
Tới đây, sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL cần có chiến lược lâu dài, trên tinh thần liên kết toàn vùng. Trước tiên nên nghiên cứu thành lập nhóm tham mưu, liên kết của giám đốc 13 Sở NN-PTNT ở ĐBSCL, những vấn đề gì hay thì chia sẻ, cùng học hỏi, gợi mở hướng phát triển.
Bên cạnh đó, nhanh chóng xúc tiến hình thành Trung tâm giới thiệu nông sản vùng ĐBSCL tại Hà Nội, nhằm đưa các sản phẩm thế mạnh của vùng ĐBSCL ra phía Bắc giới thiệu và đẩy mạnh tiêu thụ. Hiện tại, Đồng Tháp là địa phương đầu tiên ở ĐBSCL đã xây dựng trung tâm giới thiệu nông sản, đặc sản tại Hà Nội, bước đầu mang lại hiệu quả tốt. Do đó, nếu các tỉnh ĐBSCL cùng liên kết làm việc này, thì sẽ mở ra nhiều cơ hội để nông sản miền Tây đến với thị trường nội địa 100 triệu dân được rộng hơn…