Năm 2005, ông Chinh quyết tâm tìm hướng đi mới mong kinh tế gia đình tốt hơn. Ông nhận định đất vườn nhà rộng, đất màu mỡ tại sao không thể trồng được cây ăn quả có giá trị kinh tế cao nên ông quyết định cải tạo vườn tạp của mình, mày mò vào tận miền Tây để mua giống cây bưởi da xanh về trồng.
Cũng là người đầu tiên mang giống bưởi da xanh về địa phương, ông Chinh cho biết: “Thời gian đầu tôi trồng từ vài chục rồi lên đến vài trăm gốc bưởi, nghiên cứu cách thức chăm bón và bắt côn trùng hại thân, lá hoa… được gần 5 năm, bưởi bắt đầu cho những quả ngọt đầu tiên. Quả bưởi to, có quả nặng đến hơn 1,5 kg, múi bưởi dày, ngọt và mọng nước. Nếu so sánh với bưởi miền Tây thì chỉ khác nhau ở độ mượt của vỏ, ngoài ra không thua kém gì. Bưởi tôi trồng không dùng phân thuốc hoá học. Chỉ bón phân chuồng và mua bẫy về treo trên cây để bắt ruồi vàng, khi ra trái tôi bọc lại chờ lớn. Đến mùa thu hoạch, tôi đã bán hết ngay tại vườn. Từ đó, tôi tiếp tục trồng thêm, tôi cũng vừa cải tạo thêm đất trồng keo trước đây để trồng mới thêm 200 gốc bưởi nâng tổng số cây bưởi trong vườn lên đến hơn 500 cây”.
Bưởi da xanh được tiêu thụ tại chỗ, xa nhất thì cũng chỉ vận chuyển ra Đà Nẵng, vì vậy giá thành cũng tương đối thấp, dễ tiêu thụ. Chỉ sau mùa đầu tiên, đến mùa thứ hai, các tiểu thương đã đến tận vườn mua bao cả vườn chờ bưởi chín hái. Giá bán tại vườn chỉ khoảng 30.000 đồng/kg. Hiện nay, mỗi mùa ông Chinh thu được hơn 2 tấn bưởi, một năm 2 mùa, trừ chi phí gia đình ông Chinh thu về hơn 100 triệu đồng/ năm.
Năm 2013, ông Chinh xin thoát nghèo, nhiều hộ trồng bưởi khác trong xã cũng từ từ xin thoát nghèo, người dân hay nói đùa với nhau: “Hộ nào trồng được 3 cây bưởi da xanh trở lên là thoát nghèo”.
Với gia đình ông Chinh, bên dưới gốc bưởi ông còn trồng bí đỏ, không chỉ thu hoạch quả mà ngọn và hoa cũng góp phần không nhỏ vào buổi chợ của gia đình ông Chinh. Ngoài ra, các khu vườn còn trồng sầu riêng, mít thái, chôm chôm, quýt đường…
Theo bà Nguyễn Thị Minh Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quế Lưu, hiện toàn xã có hơn 100 hộ phát triển kinh tế vườn, 65 hộ phát triển cây ăn quả, trong đó bưởi da xanh là cây chủ lực với tổng diện tích hơn 9 ha. Các hộ trồng và phát triển mô hình cây ăn trái hầu hết đã thoát nghèo và ổn định kinh tế, xã chỉ còn 5 hộ nghèo.
Xã có mở lớp tập huấn cho người dân hàng năm, tuy nhiên hiệu quả cao thấp cũng nhờ vào kinh nghiệm tích lũy của mỗi người.
“Mỗi vụ bưởi, gia đình nào trồng ít cũng thu được hơn 20 triệu đồng, gia đình trồng nhiều thu về 50 - 60 triệu đồng. Cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác và thu nhập một cách bền vững. Xã cũng đang thực hiện xây dựng sản phẩm tiêu chuẩn OCOP theo đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018 – 2020 định hướng 2030””, bà Nguyễn Thị Minh Hải nói.
Cũng như ông Chinh, tại thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam), ông Nguyễn Hồ Thư, người đầu tiên mang giống cam Vinh lên vùng núi Phước Sơn trồng thành công. Cũng trên mảnh đất trồng keo, sau 5 năm chăm sóc, vườn cây cam Vinh của ông Thư đã sai trĩu quả. Với hơn 50 gốc cam trung bình mỗi năm ông Thư thu về hơn 70 triệu đồng. Tuy nhiên, theo ông Vũ Đình Cuối, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phước Sơn, ngoài việc khuyến khích người dân nhân rộng kinh tế vườn, trồng cam Vinh và một số loại cây khác, Hội Nông dân khuyến khích người dân trong vùng trồng phát triển bưởi da xanh, vì thổ nhưỡng vùng này rất hợp với loại bưởi này, hiệu quả kinh tế lại cao. |