Ngày 26-6, Sở Công thương tỉnh An Giang phối hợp cùng các ngành chức năng tổ chức đối thoại giữa đại diện Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh An Giang, Công ty Thuận An và các hộ nông dân tham gia chuỗi liên kết nuôi cá tra với Công ty Thuận An.
Theo đó, chuỗi liên kết được tỉnh An Giang chủ trương thực hiện thí điểm vào năm 2014 và Công ty Thuận An là doanh nghiệp được chọn, cùng với 12 hộ nuôi cá tra lâu năm ở An Giang tham gia.
Chuỗi liên kết được thực hiện theo hợp đồng nguyên tắc giữa 3 bên là “Công ty Thuận An, người nuôi và Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh An Giang”. Cụ thể, nông dân tham gia chuỗi được vay vốn từ Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh An Giang, tuy nhiên không được nhận tiền mặt, mà chỉ nhận thức ăn nuôi cá; khi cá đến thời điểm thu hoạch thì bán cho Công ty Thuận An; sau khi Công ty Thuận An trừ số tiền mua thức ăn (được ngân hàng cho vay trước đó), phần dư ra sẽ trả cho người nuôi.
Đây là mô hình liên kết chuỗi giá trị được kỳ vọng, tạo hướng đi mới, bền vững cho nghề nuôi và xuất khẩu cá tra ở An Giang nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung. Sau 2 năm hiệu quả, thì khoảng tháng 11-2016, bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Tổng Giám đốc Công ty Thuận An đột ngột đi công tác nước ngoài, rồi “biến mất” luôn với số tiền hơn 80 tỷ đồng bán cá của nông dân tham gia chuỗi liên kết. Ngoài ra, Công ty Thuận An còn nợ Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh An Giang khoảng 449 tỷ đồng. Điều đáng nói là khi lãnh đạo Công ty Thuận An bỏ trốn thì nhiều nông dân tham gia chuỗi không những bị mất tiền mà còn bị Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh An Giang “yêu cầu” trả nợ 80 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Tấn (ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) tham gia chuỗi liên kết, bức xúc: “Chuỗi liên kết là chủ trương đúng, nhưng vấn đề là ngành chức năng chọn sai doanh nghiệp và doanh nghiệp “nửa đường” đã ôm tiền bán cá của nông dân bỏ trốn khiến chuỗi liên kết đổ vỡ. Mặt khác, những nông dân tham gia chuỗi đều tuân thủ đúng nguyên tắc, trong khi doanh nghiệp có lỗi, sao bắt nông dân gánh thêm nợ của ngân hàng được; việc này giống như một món nợ phải trả 2 lần...”.
Các hộ nuôi cá cho rằng, doanh nghiệp làm sai thì phải xử doanh nghiệp; bởi nông dân đâu có nhận tiền của ngân hàng, giờ sao bắt nông dân “ôm” nợ. Nay lãnh đạo Công ty Thuận An bỏ trốn, thì ngân hàng tìm công ty đòi nợ; ngân hàng yêu cầu nông dân nhận nợ là không hợp lý…
Ông Lê Trọng Nghĩa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh An Giang nhìn nhận: “Chuỗi liên kết không thành công là ngoài ý muốn và ngành chức năng rất hiểu những bức xúc của nông dân do bị vướng nợ xấu và còn bị chậm giải quyết tiền bán cá…”.
Lãnh đạo Viện KSND tỉnh An Giang cho rằng, nông dân đã giao cá cho công ty Thuận An đúng hợp đồng, vì vậy nông dân không có lỗi. Còn nếu vụ việc không thương thảo được thì nên đưa ra tòa giải quyết…
Theo ông Võ Nguyên Nam, Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang: “Phía Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh An Giang nên nghiên cứu giải pháp gỡ khó cho nông dân tham gia chuỗi liên kết, không nên ghi nợ và để nợ xấu. Ngành chức năng sẽ kiến nghị UBND tỉnh An Giang có văn bản đề xuất Trung ương giải pháp tháo gỡ những vướng mắc đối với nông dân tham gia chuỗi liên kết…”.