Nông dân miền Trung cấp bách bảo vệ đàn gia súc

Theo Bộ NN-PTNT, tính đến ngày 25-5, cả nước có trên 2.300 xã của 32 tỉnh, thành phố xảy ra dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu bò với trên 60.000 gia súc bị bệnh, trên 9.500 con bị chết. Tại khu vực miền Trung, dịch bệnh này xảy ra ở các tỉnh Bắc Trung bộ và đến nay lan rộng đến các tỉnh Nam Trung bộ, khiến người dân phải tìm đủ cách để bảo vệ đàn gia súc.
Cán bộ thú y tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn bò ở xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Ảnh: NGỌC OAI
Cán bộ thú y tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn bò ở xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Ảnh: NGỌC OAI

Ngày 28-5, theo thống kê của ngành thú y các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, tổng trâu bò các địa phương bị bệnh viêm da nổi cục là gần 7.000 con/206 xã, phường, huyện, thị; ước tính tổng thiệt hại ban đầu là gần 8 tỷ đồng. Tình hình dịch bệnh tại các tỉnh này hiện vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát, đang tiếp tục lây lan với tốc độ khá nhanh. Tại tỉnh Bình Định, ngành thú y phát hiện ổ dịch đầu tiên vào cuối tháng 4-2021 tại thôn Phú Trung, xã Cát Thành (huyện Phù Cát), sau đó lan rộng ra 117 thôn/37 xã/5 huyện, thị xã với 1.826 trâu, bò mắc bệnh. 

Theo ghi nhận của PV Báo SGGP tại các vùng chăn nuôi trâu, bò các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Ân (Bình Định), khắp nơi người dân chạy đôn chạy đáo để bảo vệ gia súc của mình. Huyện Hoài Ân có tổng đàn bò trên 22.000 con, đang tự vận động kinh phí, thần tốc tổ chức tiêm vaccine cho tất cả đàn bò. Trong buổi sáng 27 và 28-5, xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân) đã tổ chức tiêm vaccine đồng loạt 750/1.400 con bò toàn xã. 

Hơn 1 tuần trước, trong đàn bò của gia đình ông Trần Văn An (45 tuổi, xóm Đồng Trạng, thôn Thạch Long 1, xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân) xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên 1 con bê. Mặc dù tích cực chăm sóc, chạy chữa, nhưng vài ngày sau con bê chết. Phát hiện sự việc, cán bộ thú y địa phương đã tổ chức tiêm phòng, sát khuẩn khu vực chăn nuôi của hộ ông An. Tuy nhiên, hiện dịch bệnh đã lây lan sang một số hộ khác trong xóm Đồng Trạng và các xã Ân Tường Tây, Ân Mỹ và khu vực lân cận. Tại xóm Đồng Trạng, nhiều hộ dân tỏ ra vô cùng lo lắng khi đàn trâu, bò mắc bệnh. Bên cạnh tiêm phòng, một số hộ chăn nuôi quy mô lớn còn tổ chức vệ sinh đồng loạt cho gia súc và tăng cường tẩm bổ để đàn gia súc có sức đề kháng vượt qua bệnh.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ân Tường Tây (Hoài Ân) Võ Trọng Thu cho biết, trước mắt, UBND xã đang huy động cán bộ thú y đến tận nhà của bà con để kêu gọi tiêm phòng hết cho gia súc. UBND tổ chức tiêm phòng theo kiểu khoanh vùng từ ngoài vào trong, làm sao tiêm phòng toàn diện trên đàn trâu, bò.

Tương tự, tại tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, người dân cũng đang lao đao khi đàn gia súc liên tục mắc bệnh và lây lan rất phức tạp. Theo ngành thú y Quảng Ngãi, yếu tố thời tiết thất thường, nắng nóng cũng là nguyên nhân gây ra nhiều khó khăn cho quá trình dập dịch, điều trị bệnh cho trâu, bò của người dân. Hiện, Quảng Ngãi đã mua 55.000 liều vaccine để triển khai tiêm phòng bao vây, khống chế dịch. Tuy nhiên, trong kế hoạch của Bộ NN-PTNT, địa phương này mới chỉ tiêm phòng đạt 16% so với chỉ tiêu của Bộ NN-PTNT giao cho.

Sau khi xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, ngành nông nghiệp Quảng Nam đã vào cuộc và xác định nguyên nhân dịch lây lan do các cơ sở chăn nuôi thuộc những đơn vị sản xuất, mua bán giống vật nuôi không đảm bảo theo quy định của Luật Chăn nuôi. Để bảo vệ hơn 231.000 gia súc của tỉnh, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt kế hoạch mua hóa chất, vaccine phòng dịch với kinh phí trên 1,37 tỷ đồng. “Hiện, chúng tôi đã phân bổ về địa phương 15.000 liều vaccine để các huyện tập trung phòng chống, bao vây, khống chế dịch…”, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam Ngô Tấn cho hay.

----------

Tồn đọng hơn 1 triệu liều vaccine bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò

Tại hội nghị trực tuyến ngày 27-5 về tình trạng 32 tỉnh, thành phố xuất hiện bệnh lạ (viêm da nổi cục trên trâu bò), ông Nguyễn Văn Long, Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, các doanh nghiệp đã nhập về 2,78 triệu liều vaccine cho trâu bò, nhưng đến nay mới có 30 tỉnh, thành phố triển khai tiêm khoảng 1,5 triệu liều vaccine. Ông Nguyễn Văn Bách, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh thuốc thú y Amavet - một trong 3 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu vaccine viêm da nổi cục, cho rằng, sau khi tiêm 21 ngày, vaccine mới phát huy hiệu quả, nên càng chậm, dịch càng lan rộng. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến kêu gọi các địa phương tiêm vaccine bệnh lạ cho trâu, bò do thời tiết đang tạo điều kiện cho các sinh vật trung gian phát triển.

Tin cùng chuyên mục