Theo dõi sức khỏe tôm qua điện thoại
Ông Huỳnh Thái Nguyên (xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) nuôi tôm thâm canh gần 20 năm và tự nhận thấy mỗi quy trình, công nghệ nuôi đều có những khó khăn nhất định như: gây ô nhiễm môi trường, lây lan mầm bệnh, tốn chi phí xử lý nước cấp, chất lượng tôm không ổn định, giá thành sản xuất cao...
Trước thực tế trên, ông Nguyên mạnh dạn tiếp cận mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn bằng công nghệ tuần hoàn ít thay nước an toàn sinh học (do Sở KH-CN tỉnh Cà Mau phối hợp Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II thử nghiệm). Ông Huỳnh Thái Nguyên đầu tư 2 tỷ đồng xây dựng khu nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình trên trong diện tích hơn 1ha. Trong đó, bố trí 1 ao ương, 1 ao xử lý nước đầu vào, 1 ao rong mềm, 2 ao rong câu, 1 ao nuôi cá rô phi, 1 mương lọc sinh học; 1 mương bioflocs và 4 ao nuôi tôm với diện tích 1.000m2/ao.
Tôm từ ao ương (ngày nuôi thứ 20), qua ao nuôi giai đoạn 2 (ngày nuôi thứ 45), qua ao nuôi giai đoạn 3 (ngày nuôi thứ 90) thì thu hoạch. Qua thời gian thực hiện, ông Nguyên nhận thấy mô hình đạt kết quả khả quan: năng suất cao hơn 20% so với các mô hình nuôi trước đây (nuôi 90 ngày, tôm đạt trọng lượng 26 con/ kg, sản lượng 12 tấn, năng suất 60 tấn/ha). Tốc độ tăng trưởng nhanh, giảm hệ số thức ăn, giảm chi phí hóa chất xử lý nước cấp đầu vào, giảm nhân công vận hành hệ thống, không sử dụng kháng sinh, ít dịch bệnh. Đặc biệt không xả nước thải ra môi trường bên ngoài, chỉ cấp nước bù khi nước bị thẩm thấu, hoặc bốc hơi.
Hiện nông dân miền Tây đang áp dụng nhiều mô hình nuôi tôm khác nhau như: nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến, thâm canh, siêu thâm canh. Trải qua quá trình nuôi, mô hình nuôi tôm truyền thống, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm đang ngày càng giảm vì năng suất thấp, chịu nhiều tác động của yếu tố môi trường và dịch bệnh. Thay vào đó, nông dân miền Tây đẩy mạnh nuôi tôm siêu thâm canh (ao chìm hoặc ao nổi lót bạt HDPE) với mô hình nuôi tuần hoàn khép kín, nuôi trong nhà kính, mô hình nuôi 2 giai đoạn và 3 giai đoạn.
Các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ngày càng chú trọng ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ kỹ thuật số, điện toán đám mây và AI nhằm kiểm soát tốt môi trường, dịch bệnh, giảm giá thành và nâng cao giá trị con tôm. Qua đó, đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
Gần đây, nhiều người nuôi tôm đến tham quan, học hỏi mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh giàu khí ôxy và ứng dụng công nghệ 4.0 tại Farm Salicornia (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh). Đây là trang trại nuôi tôm siêu thâm canh theo mô thức Tomgoxy (do Công ty CP Rynan Technologies Vietnam nghiên cứu và phát triển, tích hợp AI kết hợp lý - hóa - sinh vào nuôi tôm công nghệ cao). Tại nông trại siêu thâm canh này, nhiều công đoạn quản lý ao nuôi được AI làm thay cho con người.
Theo đó, với chiếc điện thoại thông minh, thông qua ứng dụng, các thiết bị đo lường, kiểm tra, giúp người nuôi luôn theo dõi được chất lượng nước và sức khỏe tôm nhằm phản ứng kịp thời trước khi dịch bệnh lây lan. Với ứng dụng AI, nông dân có thể phát hiện ra dịch bệnh và xử lý hiệu quả hơn so với các biện pháp và kinh nghiệm nhận biết vấn đề ao tôm truyền thống, giúp người nuôi tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng hiệu suất nuôi từ 40% lên hơn 70%.
Bên cạnh đó, ứng dụng lưu trữ được thông tin ao, nhật ký nuôi từng ao và được phân biệt bằng mã định danh độc nhất của từng ao, giúp người dân dễ dàng ghi chú và truy xuất nguồn gốc thông tin của từng ao, thuận lợi cho quá trình đăng ký các chứng chỉ an toàn và truy xuất nguồn gốc; tối ưu chi phí bằng cách sử dụng năng lượng thay thế, tận dụng các nguồn tài nguyên tự nhiên, quản lý vận hành tự động bằng thiết bị thông minh IoT và ứng dụng điện thoại.
Giảm giá thành sản xuất
Con tôm là đối tượng nuôi chủ lực của người dân ven biển ĐBSCL. Theo Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2025, giá trị kim ngạch tôm nước lợ xuất khẩu là 8,4 tỷ USD (năm 2022 xuất khẩu tôm đạt 4,3 tỷ USD), tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 750.000ha, sản lượng đạt 1.100.000 tấn.
Dù là “cường quốc” xuất khẩu tôm, nhưng ngành tôm nước ta cũng đối diện với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề giá thành nuôi tôm của nước ta cao hơn nhiều so với Ecuador, Bangladesh và Ấn Độ, vì vậy làm giảm sức cạnh tranh con tôm nước ta trên thị trường thế giới.
Ông Phan Tấn Thanh, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Cà Mau, cho biết, nông - lâm - thủy sản là thế mạnh của tỉnh Cà Mau. Vì vậy, các đề tài khoa học tỉnh triển khai cũng phần lớn tập trung vào lĩnh vực này. Hiện trên địa bàn tỉnh, người dân nuôi tôm theo các công nghệ khác nhau và có những ưu - khuyết nhất định. Việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất, trong đó có AI vào các quy trình nuôi tôm rất cần thiết, qua đó giúp kiểm soát tốt dịch bệnh, môi trường với độ chính xác cao, giảm công sức con người, giúp giảm giá thành, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi tôm.
Là địa phương đang phấn đấu sớm trở thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết, địa phương đang nỗ lực để hoàn thành, sớm đưa vào sử dụng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm của tỉnh. Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao là hướng phát triển chính của tỉnh, khuyến khích phát triển hình thức nuôi công nghệ cao mô hình nông hộ. Xây dựng và thực hiện tốt các chương trình giám sát dịch bệnh, vùng giám sát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng lộ trình chuỗi sản xuất tôm an toàn dịch bệnh hướng tới đạt chứng nhận của Tổ chức Thú y thế giới để tôm Bạc Liêu đạt yêu cầu chất lượng và có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
* Ông HUỲNH VĂN THÒN, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời: AI thu thập hình ảnh để nhận diện bệnh trên cây lúa
Các kỹ sư công nghệ thông tin của Tập đoàn Lộc Trời đang khẩn trương xây dựng mô hình AI thông qua các việc như: thu thập hình ảnh sâu bệnh và giai đoạn sinh trưởng thực tế tại cánh đồng bằng drone (thiết bị không người lái). Những hình ảnh này được chuyển đến Viện Nghiên cứu LTG thông qua các ứng dụng (App) Bệnh viện cây ăn quả, App Bệnh viện cây lúa, App Nông dân 365… Qua đây, các kỹ sư công nghệ của viện sẽ phân loại, đánh nhãn vết bệnh, nhận diện bệnh… để nghiên cứu, có giải pháp xử lý nhanh, hiệu quả.
* Bà NGUYỄN THỊ GIANG, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang: Cán bộ nông nghiệp phải có trình độ KH-CN
Trong bối cảnh nông nghiệp 4.0 đang phát triển thì những công nghệ như AI, điện toán đám mây, công nghệ thông minh, công nghệ tiện lợi hơn trong nông nghiệp… phải được ứng dụng và phát triển nhanh và mạnh mẽ hơn nữa và phải đến từng hợp tác xã, tổ hợp tác, người dân. Song cần nhìn nhận những hạn chế là: đất đai manh mún, nhỏ lẻ, lao động nông nghiệp chủ yếu là người lớn tuổi với trình độ tin học còn rất hạn chế…, do đó việc ứng dụng các công nghệ trên gặp rất nhiều khó khăn.
Ngành nông nghiệp cần phải có cuộc cách mạng về khuyến khích tri thức có chuyên môn sâu lĩnh vực công nghệ, nông nghiệp kết hợp với doanh nghiệp đủ năng lực về tài chính để đầu tư, xây dựng lại phương thức sản xuất theo hướng hàng hóa, tập trung và tư duy kinh tế nông nghiệp. Muốn làm được điều đó phải có cơ chế chính sách đồng bộ như: tích tụ ruộng đất với quy mô sản xuất nông nghiệp lớn; chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp (ưu đãi về vốn, tiếp cận tài chính ngân hàng với lãi suất thấp để đầu tư máy móc, công nghệ, xây dựng phần mềm ứng dụng…). Đồng thời, nhà nước phải phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, cáp viễn thông tốt, đào tạo đội ngũ có trình độ cao, chuyên nghiệp, cán bộ nông nghiệp cần có tư duy đổi mới và tiếp cận nhanh trình độ khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin để định hướng, ứng dụng, chuyển giao trong lĩnh vực nông nghiệp.
VĨNH TƯỜNG