Nhiều nơi nhập cuộc
Ông Trần Văn Na, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bạc Liêu, cho biết, trong năm 2024, tỉnh Bạc Liêu đăng ký tham gia thực hiện với diện tích 20.200ha, kế hoạch đến năm 2030 sẽ thực hiện 46.000ha. Các diện tích tham gia đề án là giống lúa chất lượng cao như: Đài Thơm 8, Nàng Hoa 9, ST24, ST25… Hiện nay, toàn bộ diện tích lúa sản xuất theo đề án đã được các doanh nghiệp cam kết bao tiêu nên đầu ra an toàn, nông dân an tâm sản xuất.
Tại Cà Mau, tổng diện tích lúa sản xuất theo đề án trong năm 2024 là 10.000ha (riêng vụ đông - xuân tới là 4.000ha), năm 2025 sẽ là 20.000ha và đến năm 2030 là 30.000ha. “Để lên kế hoạch sản xuất lúa theo đề án với các diện tích như trên, địa phương đã cân nhắc, tính toán các yếu tố liên quan, từ việc thích nghi của giống lúa, trình độ của nông dân trong ứng dụng công nghệ, đến công tác khuyến nông, khả năng đầu tư trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất của nông dân, doanh nghiệp tại chỗ… Kế hoạch đã có, địa phương sẽ cùng với nông dân bắt tay vào sản xuất”, đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết.
Đối với tỉnh Sóc Trăng, diện tích thực hiện đề án trên trong năm là 75.000/322.000ha tổng diện tích sản xuất lúa. Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, diện tích sản xuất lúa chất lượng cao mà đề án đặt ra cơ bản đã đáp ứng. Vấn đề còn lại là yêu cầu giảm phát thải, cần có sự chung tay của nhiều ngành, từ khâu sản xuất, chọn giống, canh tác, thu hoạch và sau thu hoạch, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận carbon, hỗ trợ chuyển đổi công nghệ số…
Tại Tiền Giang, vụ đông xuân 2023-2024, toàn tỉnh gieo sạ 44.760ha lúa, trong đó có 14.381ha được chọn tham gia đề án. Diện tích lúa thực hiện theo đề án tập trung tại hai vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm của tỉnh Tiền Giang là vùng ngọt hóa Gò Công phía Đông và vùng kiểm soát lũ phía Tây. Dự kiến, đến năm 2025, tỉnh mở rộng vùng trồng lúa theo đề án lên trên 22.000ha và năm 2030 là 31.451ha.
Tăng cường hỗ trợ nông dân
Theo ông Nguyễn Văn Cường, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh Long An, qua tính toán cho thấy, sản xuất theo đề án, giá lúa sẽ bán được với giá cao hơn, lợi nhuận của nông dân khi đó sẽ tăng lên trong khoảng 10-17% so với trồng lúa bình thường. Tuy nhiên, tại Long An hiện nông dân đang gặp một số khó khăn như: tình trạng nguồn giống lúa chất lượng cao ở một số nơi vẫn chưa bảo đảm, giá cả còn cao; doanh nghiệp tham gia đặt hàng sản xuất và bao tiêu lúa cho nông dân còn ít, khó tìm kiếm kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Để giúp nông dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, từng bước tiếp cận và thực hiện đề án hiệu quả, ông Nguyễn Văn Cường đề xuất các ngành chức năng tỉnh Long An tạo điều kiện, hành lang pháp lý thông thoáng, có sự liên kết chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp để ổn định đầu ra, giúp người dân yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng mới hoặc nâng cấp hệ thống kho chứa để thu mua tạm trữ; đồng thời, xây dựng, quảng bá thương hiệu lúa, gạo Long An và tổ chức tham gia các hội chợ, xúc tiến thương mại…
Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hécta lúa chuyên canh, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 không chỉ hướng đến hiệu quả kinh tế, an ninh lương thực, tạo thu nhập cao hơn cho nông dân mà còn bảo đảm nhiều mục tiêu trong tình hình mới như thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm lượng khí metan do canh tác lúa gây ra. Bà Carolyn Turk, Giám đốc WB tại Việt Nam đánh giá rất cao về việc Việt Nam triển khai đề án trên, đồng thời cam kết WB sẽ luôn đồng hành cùng Việt Nam trong suốt quá trình thực hiện đề án.
Lão nông Văn Danh (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ: “Nghe ngành nông nghiệp phát động sản xuất lúa chất lượng cao, nông dân tụi tui thấy ưng, vì trồng lúa theo đề án này sẽ cho thu nhập cao. Dù chưa tiếp cận, ứng dụng được nhiều kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nhưng chúng tôi sẽ cố gắng, quyết tâm để làm được. Điều mà nông dân băn khoăn lúc này là trồng lúa giảm phát thải, hay phát thải thấp, khái niệm rất mới. Do đó, mong chính quyền, ngành nông nghiệp giới thiệu, hướng dẫn cách làm nhiều hơn”.
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, cho biết, sở đã khuyến cáo nông dân tham gia đề án sử dụng các giống lúa thơm và lúa chất lượng cao, có khả năng chịu hạn và chịu mặn tốt như: VD 20, OM 6976, OM 7347, Nàng Hoa 9, OM 5451,… Đặc biệt ưu tiên các giống lúa được thương lái hoặc doanh nghiệp liên kết sản xuất - tiêu thụ, bao tiêu.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng tăng cường tập huấn, tuyên truyền đầu vụ những biện pháp chăm sóc cây trồng trong mùa khô hạn, xâm nhập mặn thông qua các biện pháp tăng cường sử dụng phân hữu cơ, trung vi lượng tăng khả năng chống chịu của trà lúa. Tăng cường kiểm tra các công trình cống đập ngăn mặn, củng cố hệ thống đê bao cho từng vùng sản xuất vừa ngăn mặn và triều cường hiệu quả, không để ảnh hưởng đến trà lúa, khuyến cáo nông dân bơm trữ nước trong ruộng lúa hoặc nội đồng khi có điều kiện.