Tại sao không giúp hộ tận dụng chuồng sẵn chuyển đổi mô hình chăn nuôi. Thế là, phong trào nuôi lươn trong chuồng heo được phát động ở một số nông hộ. Nhiều nông hộ xoay xở vượt qua khó khăn, thậm chí làm giàu. Đó chỉ là một minh chứng nhỏ cho sự linh động của Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang, giúp nông dân có kế mưu sinh, làm giàu và cũng lý giải một phần cho trên 1.300 nông hộ có thu nhập “khủng” trên 500 triệu đồng/ha/năm.
Năng động
Nhanh chóng nắm bắt cơ hội làm giàu từ nhu cầu thị trường, tận dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến là nét chung của những nông dân sản xuất giỏi ở Hậu Giang. Huyện Châu Thành A là nơi có nhiều nông dân tỷ phú. Điển hình là ông Thiều Văn Hải, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Hải Thành.
Ông Thiều Văn Hải là một trong những người được tôn vinh nông dân Việt Nam xuất sắc. Khởi nghiệp với 1,5 công đất ruộng, đến nay tổng diện tích đất sản xuất đã lên tới 6,6ha, ông Hải là người đi tiên phong trồng và bán lúa thơm trong 15 năm qua. Thu nhập hiện nay của gia đình ông đạt gần 2 tỷ đồng/năm.
Cũng tại huyện Châu Thành A, có một nữ tỷ phú nông dân nổi tiếng nhờ nuôi cua đinh, ba ba là chị Trương Ánh Nguyệt, Giám đốc HTX chăn nuôi ba ba Thạnh Lợi (xã Thạnh Xuân). Chị cũng là một trong 63 gương điển hình nông dân tiêu biểu toàn quốc năm 2018.
Đồng hành với chị Nguyệt trong gần 10 năm qua, các cán bộ ngành nông nghiệp huyện Châu Thành A, Liên minh HTX tỉnh, đã hướng dẫn kỹ thuật và tạo điều kiện để chị tiếp cận nguồn vốn.
Đến nay, HTX Thạnh Lợi có trên 50.800 con ba ba, cua đinh giống và thương phẩm. Riêng chị Nguyệt nuôi 4.000 con ba ba giống, 500 con cua đinh giống. Hiện ba ba và cua đinh giống sản xuất ra bao nhiêu đều có người mua hết. Nhờ vậy kinh doanh thuận lợi, doanh thu của HTX đạt hơn 2 tỷ đồng, lợi tức chia cho xã viên trên 200 triệu đồng/năm.
Đặc biệt từ năm 2015 đến nay, sau những lần tham gia xúc tiến đầu tư, chị đã bắt mối bán được con giống qua thị trường Trung Quốc và Thái Lan. Năm rồi, chị Nguyệt bán sang Nhật được 500kg ba ba thương phẩm.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã thu hút đông đảo nông dân tham gia, xuất hiện nhiều gương nông dân điển hình tiên tiến với những mô hình kinh tế hiệu quả, như: Mô hình nuôi và chế biến cá thát lát của hộ ông Võ Đình Chiến (phường Vĩnh Thường, thị xã Long Mỹ); mô hình sản xuất lươn giống và lươn thương phẩm của hộ ông Trần Văn Niềm (ở xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ); mô hình trồng dưa lưới của hộ ông Võ Văn Trưng (xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp); mô hình nuôi heo rừng và gà thả vườn của hộ ông Đặng Ngọc Bổn (xã Phú Hữu, huyện Châu Thành); mô hình trồng dâu kết hợp tham quan du lịch của hộ ông Lê Minh Tâm (thành phố Ngã Bảy)…
Phong trào đã khuyến khích, động viên nông dân, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp nhau giảm nghèo, thi đua làm giàu; xây dựng nếp sống văn hóa ở nông thôn; tích cực tham gia thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Các cấp hội đã vận động hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giúp đỡ vốn, cây, con giống và kinh nghiệm sản xuất cho 5.871 lượt hộ nông dân với tổng số tiền hỗ trợ 20,8 tỷ đồng. Qua đó, giúp 3.139 hộ nông dân thoát nghèo.
Cái khó ló cái khôn
Phụng Hiệp là huyện lâu nay trồng mía nổi tiếng ở ĐBSCL. Tuy nhiên, liên tiếp thua lỗ, nông dân phải lựa chọn để chuyển đổi mô hình. Ông Võ Văn Trưng ở xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp đã chọn mô hình trồng dưa lưới để tạo nên sự khác biệt.
Cách đây 5 năm, ông Trưng là người tiên phong trồng 6.000m2 dưa lưới cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Năm 2017, được sự tuyên truyền vận động của các cấp chính quyền về liên kết sản xuất, ông Trưng mạnh dạn phát triển thêm 3.000m2 nữa và thành lập HTX trồng dưa lưới (HTX dưa lưới Thuận Phát) với diện tích sản xuất 9.000m2.
Đến nay, HTX có 12 thành viên với diện tích sản xuất 18.000m2, thu hoạch 4 vụ/năm, sản lượng 64 tấn, giá ổn định từ 30.000 đồng - 32.000 đồng/kg, thu nhập 1.9 tỷ đồng (trừ chi phí, mang về lợi nhuận cho HTX là 840 triệu đồng).
Đầu ra dưa lưới của HTX ổn định nhờ ký hợp đồng bao tiêu từ các siêu thị trong nước. HTX còn giải quyết việc làm cho 13 nhân công có thu nhập ổn định từ 5 triệu - 6 triệu đồng/tháng.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được Tỉnh ủy Hậu Giang đánh giá là phong trào thực chất, hiệu quả, có sức lan tỏa, được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng và tham gia tích cực. Trong 5 năm qua, có tổng số 483.181 lượt hộ nông dân Hậu Giang đăng ký, bình quân hàng năm có trên 96.000 hộ đăng ký.
Để tác động mạnh mẽ đến phong trào thi đua, giúp nông dân trong sản xuất, kinh doanh, Hội Nông dân Hậu Giang chủ động phối hợp và ký kết liên tịch với các sở ngành, đơn vị chức năng trong và ngoài tỉnh thông tin, tuyên truyền sâu rộng trong nông dân thực hiện nhiều đề án: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Hậu Giang (đề án 1.000); phát triển giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản chất lượng cao tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016 - 2020; nâng cao chất lượng hoạt động của HTX trên địa bàn tỉnh; thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy nông dân tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác.
Từ kết quả của quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nhiều ngành nghề, dịch vụ ngày càng phát triển, thay đổi hình thức sản xuất, kinh doanh.
Hậu Giang hiện có 34.679 mô hình sản xuất có hiệu quả; 14 trang trại chăn nuôi, 8 trang trại tổng hợp, 3 trang trại thủy sản, 179 hợp tác xã (4.003 thành viên), 562 tổ hợp tác (11.549 thành viên); thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản, trên địa bàn hiện có khoảng 25 công ty, doanh nghiệp, HTX ký kết hợp đồng liên kết bao tiêu lúa, chanh không hạt, mãng cầu xiêm với nông dân.
Áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường như VietGAP, Global GAP trên cam sành, chanh không hạt... Trong 5 năm qua, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã giúp 108.437 lao động có việc làm.
Ông Trần Văn Niềm (huyện Long Mỹ), sản xuất lươn giống và lươn thương phẩm đã hỗ trợ, lan tỏa giúp nhiều người nuôi heo vượt qua dịch tả heo châu Phi bằng nghề nuôi lươn từ tận dụng chuồng heo trống.
Ông Võ Văn Trưng (huyện Phụng Hiệp) giúp nông dân chuyển đổi đất mía sang mô hình trồng dưa lưới, như là những hình ảnh tiêu biểu của nông dân Hậu Giang vượt khó, vươn lên giàu.
Trong 5 năm qua, có 383.560 lượt nông dân được chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ... Phối hợp hỗ trợ xây dựng được nhãn hiệu cho 11 loại sản phẩm chủ lực của địa phương, được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa như: chanh không hạt Hậu Giang, quýt đường Long Trị, cá thát lát Hậu Giang, khóm Cầu Đúc Hậu Giang... Trong đó, 3 nông sản (cam sành, khóm Cầu Đúc, cá thát lát) đã phát triển thành thương hiệu nổi tiếng. 5 loại nông sản (bưởi, cam sành, khóm, cá thát lát, cá rô đồng) thực hiện đạt tiêu chuẩn GAP, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến nay, Hậu Giang có 50.226 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, chiếm 38,05% hộ nông dân. Trong đó, 37.520 hộ đạt thu nhập gần 100 triệu đồng/ha/năm; 11.393 hộ đạt từ 100 đến dưới 500 triệu đồng/ha/năm trở lên; 1.183 hộ đạt từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng; 130 hộ đạt từ 1 tỷ đồng trở lên/ha/năm. |