Chương trình sinh kế cộng đồng là sáng kiến của Tập đoàn Central Retail nhằm hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, theo Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ.
Thu nhập nông dân tăng 200%
Sau 3 năm triển khai, cách thức sản xuất của 39 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (Mường, Thái, H’Mông) tham gia dự án đã thay đổi theo hướng tích cực. Sản xuất đi theo nhu cầu thị trường, canh tác tập trung, có sự hợp tác giữa hộ nông dân, các hợp tác xã (HTX) với nhau và có sự gắn kết chặt chẽ của các doanh nghiệp, biết cách xây dựng bao bì, nhãn hiệu logo “Rau an toàn Vân Hồ”. Đặc biệt, hình thành phương thức đóng gói hàng chuyên nghiệp cũng như ứng dụng kỹ thuật trồng cây theo phương pháp rau an toàn và VietGAP.
Anh Vàng A Sa (35 tuổi, ở bản Bó Nhàng 2, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La), Chủ nhiệm HTX Vàng A Sa, Trưởng nhóm dự án Vân Hồ, cho biết, mấy năm trước gia đình anh vốn mưu sinh bằng nghề trồng các loại rau truyền thống trên khoảng đất 1.000m2, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống. Mặt khác, canh tác trước đây chủ yếu là trồng đậu, bí… ít chủng loại, sản lượng thấp, chất lượng kém do cách thức canh tác lạc hậu, dựa theo kinh nghiệm là chính. Hệ quả là đầu ra sản phẩm không ổn định, chỉ bán cho thương lái, thường xuyên bị ép giá do không tiếp cận được thị trường. Sản phẩm manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tập trung. Không có sự liên kết giữa nông dân với nhau, chưa có chuỗi giá trị và không có bất kỳ sản phẩm nào được tiêu chuẩn hóa, nhãn hiệu, bao bì…
Cơ hội đến với anh Vàng A Sa, khi Ban điều hành Chương trình sinh kế cộng đồng đã chọn Vân Hồ làm nơi triển khai dự án kể từ tháng 6-2018. Theo lý giải của ban điều hành, sở dĩ chương trình chọn địa bàn này vì Vân Hồ là huyện nghèo của tỉnh Sơn La và có đa số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Từ khi tham gia dự án Sinh kế cộng đồng, anh Vàng A Sa đã được cán bộ phụ trách chương trình của Central Retail và cán bộ khoa học từ Tổ chức phi chính phủ ACIAR (Australia) hỗ trợ tập huấn về sản phẩm; được tư vấn kiến thức về thị trường, định hướng sản xuất, và được hướng dẫn trồng đa dạng các loại cây, đặc biệt là cây trái vụ cho sản lượng cao, giá thành tốt, phù hợp với khí hậu của huyện Vân Hồ.
Sau 3 năm triển khai dự án Sinh kế cộng đồng tại Vân Hồ, tới nay, khoảng 70% nông sản của HTX Vàng A Sa sản xuất được Central Retail tiêu thụ thông qua hệ thống siêu thị Big C, GO! tương ứng với khoảng 250 tấn nông sản các loại (bắp cải, đậu cove, dưa chuột, bầu dài, bí đỏ, bí xanh, su hào, khoai lang ruột vàng, củ cải trắng, cải thảo…), đạt doanh thu trung bình khoảng 300 triệu đồng mỗi tháng.
Đánh giá về hiệu quả của dự án Vân Hồ, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail, cho biết: “Dự án Sinh kế cộng đồng tại Vân Hồ đã giúp cải thiện cuộc sống của gần 40 hộ nông dân đồng bào dân tộc thiểu số tham gia dự án Vân Hồ. Thu nhập của họ đã tăng 200% nhờ giá trị sản xuất tăng gấp đôi. Từ chỗ trước đây, mỗi năm chỉ sản xuất một vụ đạt 25-30 triệu đồng/ha thì nay thu nhập của bà con đã tăng lên 50-60 triệu đồng/ha, nhờ sản xuất thêm rau trái vụ, tức sản xuất quanh năm thay vì chỉ 6 tháng như trước đây”.
Thành công của dự án Sinh kế cộng đồng tại Vân Hồ cho thấy khi người nông dân được định hướng sản xuất theo nhu cầu của thị trường có thể tránh rơi vào cảnh được mùa rớt giá. Chương trình sinh kế cộng đồng đã thực sự phát huy tác dụng, mở ra cơ hội thị trường và mang lại nhiều sự đổi thay cho cuộc sống của người nông dân nghèo, vùng sâu vùng xa, vùng biên cương của Tổ quốc. |
Hỗ trợ đưa nông sản lên quầy kệ siêu thị
Cùng với việc triển khai dự án Sinh kế cộng đồng, những năm gần đây Central Retail thường xuyên phối hợp với Sở Công thuơng TPHCM và các tỉnh thành tổ chức nhiều chương trình tham quan, tập huấn cho các hộ sản xuất, các nông trại nhằm kết nối nông sản địa phương tiếp cận hệ thống phân phối hiện đại.
Cách đây chưa lâu, chúng tôi đã có dịp tháp tùng chuyến tham quan và làm việc của 23 hộ sản xuất huyện Nhà Bè tại siêu thị Big C An Lạc. Đón đoàn là nhân viên phụ trách chương trình kết nối nông sản địa phương tiếp cận hệ thống phân phối hiện đại và nhân viên phụ trách bộ phận thu mua thực phẩm tươi sống, Big C miền Nam. Các hộ nông dân được đưa ngay vào quầy rau củ quả để quan sát cách đóng gói bao bì, nhãn mác.
Từng mặt hàng từ rau dền, rau muống, mồng tơi, bầu bí cho đến các loại thủy hải sản như tôm, cá… đã được phía Big C thuyết trình rất kỹ để bên bán (tức các nông hộ sản xuất) có thể hình dung đầy đủ một quy trình sau thu hoạch, cho đến khi đưa hàng lên quầy kệ sẽ qua bao nhiêu công đoạn. Trong quá trình này, các cuộc thảo luận nhỏ giữa các hộ sản xuất và đại diện bộ phận thu mua của Big C khá sôi nổi.
Xong phần tham quan hàng hóa đang bán trên quầy kệ, phía Big C đã dành một không gian nhỏ cho các hộ sản xuất trưng bày hàng hóa. Các mặt hàng mang theo lần này là tôm khô, tôm một nắng đạt chuẩn VietGap của HTX Hiệp Thành; các loại rau dền, rau muống, cải, rau rừng, mồng tơi trồng theo chuẩn organic của Nông trại Nhất Thống; nấm bào ngư xám, nấm linh chi, yến của Trại nấm Nghĩa Nhân; nấm đông trùng hạ thảo…
Xem và phân tích sản phẩm của các nông hộ, đại diện Big C nhận xét, hàng nông sản từ Nhà Bè đều tươi ngon, sạch sẽ, bắt mắt. Tuy nhiên phần bao bì, nhãn mác trên hàng hóa thì chưa đáp ứng tốt. Do vậy nên chú ý đến các bao bì, mẫu mã sản phẩm khi đưa ra thị trường. Kinh nghiệm từ Big C cho thấy, những sản phẩm tốt, cộng với mẫu mã bắt mắt, đẹp thì sẽ được người tiêu dùng chọn mua nhiều hơn.
Theo đó, cần thực hiện các chương trình khuyến mãi để kích thích người tiêu dùng (NTD). Tâm lý NTD hiện nay thường chọn mua hàng khuyến mãi. Khuyến mãi nhiều không phải giảm lợi nhuận mà sẽ làm cho sản lượng tăng lên. Khi doanh nghiệp (DN) bán được nhiều sản phẩm cũng đồng nghĩa độ phủ thị trường của sản phẩm lớn hơn, sẽ xây dựng thương hiệu tốt hơn.
Vậy hàng hóa nông sản thực phẩm muốn vào siêu thị Big C cần những giấy tờ gì? Đại diện Big C đã phát cho các nông hộ một bộ tài liệu “Tập huấn và hướng dẫn các quy định, tiêu chuẩn cung ứng hàng hóa vào hệ thống bán lẻ hiện đại”, kết hợp với “tập huấn miệng” khá kỹ. Đối với hồ sơ pháp lý có 2 loại dành cho nhà cung cấp là DN và nông dân.
“Nếu dựa theo các yêu cầu giấy tờ như DN thì các hộ nông dân không bao giờ có khả năng tiếp cận được hệ thống phân phối bán lẻ. Vì vậy, đối với hộ nông dân cần có giấy chứng nhận hộ nông dân, CMND, giấy xác nhận tài khoản ngân hàng. Để khuyến khích, hỗ trợ các hộ nông dân, tất cả mặt hàng trong dự án Sinh kế cộng đồng và Chương trình kết nối nông sản địa phương tiếp cận hệ thống phân phối hiện đại thì Big C có chính sách không chiết khấu cho người nông dân. Thông thường, khi bán hàng vào siêu thị, nhà cung cấp sẽ trích một khoản chiết khấu cho siêu thị 5%-10%, nhưng với hộ nông dân, nhà sản xuất nhỏ lẻ sẽ không áp dụng chính sách này. Thời hạn thanh toán chỉ trong vòng 7 ngày so với bình thường”, đại diện Big C cho hay. |
Kết thúc buổi làm việc, phía Big C đã chọn 2 đơn vị có thể cung cấp ngay sản phẩm cho siêu thị, đó là Nông trại Nhất Thống và Nông trại nấm Nhân Nghĩa. Với các đơn vị còn lại, Big C sẽ phối hợp để xuống tận các nhà vườn khảo sát, hỗ trợ và định hình lại quy trình sản xuất, thu hoạch, đóng gói để đáp ứng các tiêu chí đưa hàng vào hệ thống phân phối hiện đại.
Ngay sau chương trình tham quan và làm việc của các hộ nông dân huyện Nhà Bè, TPHCM, Big C đã tổ chức hàng loạt các chuyến tham quan và tổ chức tuần lễ nông sản cho các tỉnh thành như Đồng Tháp, Bến Tre, Tây Ninh… Tại đây, Big C cũng đã ký kết nhiều bản ghi nhớ, hợp đồng cung ứng và tiêu thụ hàng nông sản cho các địa phương, góp phần cải thiện thu nhập cho các hộ nông dân và HTX.
“Sinh kế cộng đồng” là sáng kiến nhằm hiện thực hóa tầm nhìn của Tập đoàn Central Retail, cam kết đóng góp vào thịnh vượng của Việt Nam và nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt. Đến nay, chương trình đã triển khai thành công 7 dự án: Sơn Hà (Quảng Ngãi), Vân Hồ (Sơn La), Bình Định (Bình Định), A Lưới (Thừa Thiên - Huế), Sa Pa (Lào Cai), Mường Khương (Lào Cai), Bắc Kạn (Bắc Kạn); qua đó tiêu thụ hơn 400 tấn hàng hóa nông sản, tạo sinh kế bền vững cho trên 500 hộ gia đình, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. |