Lâu nay, tại các vùng nông thôn thường có hiện tượng nhiều thương lái Trung Quốc đến tung tin thu mua một loại sản vật nào đó với giá cao ngất ngưởng, khiến giá loại sản vật ấy tăng vùn vụt. Thấy vậy, nông dân đổ xô thu hoạch, khai thác loại sản vật ấy, nhưng rồi không thấy ai thu mua. Bạn đọc Báo SGGP đã bức xúc lên tiếng về việc này:
Vẫn những chiêu rất cũ
Chưa rõ động cơ của các thương lái đó có nhằm phá hoại kinh tế hay không, nhưng dễ thấy là họ đã kiếm lợi rất lớn bằng chiêu như vậy. Trước đó, thương lái đã thu gom loại sản vật đó với giá rẻ, rồi tung tin thu mua giá cao; thế rồi chính họ lại tuôn ra thị trường bán với giá cao cho những người muốn mua gom để bán cho thương lái. Nông dân liên tiếp bị cuốn vào những chiêu lừa như vậy, thậm chí phá bỏ vườn tược, đổ vốn liếng vào việc chuyên canh những sản vật mà đến lúc thu hoạch không có người mua.
Vấn đề cần bàn ở đây là phản ứng của nhà nông. Đã rất nhiều vụ xảy ra với chiêu lừa tương tự, nhưng bà con vẫn bị lừa. Tất nhiên, việc nông sản được bán với giá cao ai mà không ham. Lao động cơ cực mấy tháng trời, có khi là cả năm, thu hoạch lãi to là niềm vui sướng không thể tả xiết. Nhưng không nên mất đi sự tỉnh táo.
Đã nhiều lần các bạn đoàn viên TNCS cứu nông dân bằng việc làm trung gian, như thu mua chuối, dưa hấu, cà chua… rồi đem bán lại với giá ổn định. Vừa qua, siêu thị Big C “giải cứu” 100 tấn chuối ở Đồng Nai, giúp bà con nông dân gỡ khó. Đó là nghĩa cử thể hiện tinh thần tương thân tương ái. Nhưng không lẽ cứ giúp, cứu mãi. Làm nông cũng là kinh doanh, do vậy người nông dân rất cần có đủ thông tin để nắm bắt xu thế thị trường, có đối sách phù hợp trong việc canh tác, buôn bán nông sản. Ngoài kinh nghiệm sẵn có, bà con nông dân cũng cần được cảnh báo đề phòng những rủi ro và hướng dẫn tìm đầu ra cho sản phẩm để tránh bị làm giá, ép giá.
Trong trồng trọt và chăn nuôi, dù có thâm niên nghề, nhà nông cũng cần học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau từ bạn bè, các chuyên gia và từ truyền thông để phát triển tay nghề cũng như nâng cao năng suất. Đồng thời, cần trau dồi kỹ năng buôn bán, quan hệ rộng rãi để linh động ứng phó với những tình huống khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản.
Phải kịp thời cảnh báo cho nông dân
Tháng 4 năm nay, đang vào vụ thu hoạch rộ, người dân trồng ớt các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc (thuộc thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Ngãi) như đang ngồi trên đống lửa vì giá ớt chỉ còn 3.000 - 4.000 đồng/kg, như vậy là lỗ nặng. Những năm trước, thương lái mua ớt với giá bình quân từ 15.000 - 17.000 đồng/kg. Năm 2016, giá ớt tiếp tục tăng lên 25.000 - 30.000 đồng/kg, rồi có lúc bỗng nhiên thương lái thu mua đến 40.000 - 50.000 đồng/kg, nên nhiều người đổ xô trồng ớt. Và rồi vào vụ năm 2017, ớt liên tục rớt giá do thương lái Trung Quốc không thu mua.
Những năm gần đây thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua những thứ lạ đời chưa từng thấy. Ở Bình Phước họ thu mua lá điều khô, là thứ chỉ bỏ đi không ai thèm lấy. Thế là nhiều chủ vườn thi nhau phun thuốc diệt cỏ trên cây điều để có số lượng lá khô lớn và đồng loạt. Một việc làm tác hại đến sự sinh trưởng cây điều và làm giảm năng suất năm sau. Oái oăm thay khi người bán đã gom lá với số lượng lớn chờ thu mua thì chẳng thấy những thương lái này trở lại. Ở Phú Yên, họ thu mua thân cây sắn. Nông dân đồng loạt chặt cây, từng cánh đồng sắn bị tận diệt không thương tiếc. Ở Tây Nguyên, Nam Trung bộ, họ tung tin thu mua gốc, rễ tiêu. Ở miền Tây Nam bộ, họ tung tin thu mua lá khoai lang còn non khi chưa thu hoạch củ. Ở TPHCM, Vĩnh Phúc, Phú Thọ…, họ thu mua đỉa, gây nên phong trào nuôi đỉa, nhưng khi đỉa được đầu tư nuôi tràn lan thì thương lái đâu chẳng thấy, người nuôi bỏ mặc đỉa tràn ra đồng ruộng, ao vườn.
Chiêu trò lừa gạt trục lợi này rất đơn giản: tạo ra một thị trường khan hiếm giả tạo, đẩy giá sản phẩm lên cao chót vót, khi tạo ra được hiệu ứng đồng loạt gom hàng của thương lái địa phương thì xả hàng đã thu gom để hưởng lợi, sau đó thì biến mất. Nói chung, đây là những mánh khóe kinh doanh thiếu đạo đức, chủ yếu là trục lợi bất chính. Do vậy, nông dân nên cảnh giác đối với những thương vụ “độc, lạ”, hứa hẹn dễ dàng thu về lãi cao.
Chính quyền các địa phương phải có trách nhiệm hướng dẫn người dân canh tác nông nghiệp theo hướng căn cơ, bền vững, như trồng cây gì, trồng bao nhiêu diện tích là vừa, trồng ở đâu. Đồng thời, liên kết với cơ quan khoa học hỗ trợ kỹ thuật canh tác cho nông dân; liên kết với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cho sản phẩm với giá ổn định.