Ghi nhận tại các vùng trồng thanh long trọng điểm của tỉnh Bình Thuận như huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam…, đa phần người dân phải tiết giảm diện tích sản xuất, một số ngưng sản xuất vụ mùa tết để giảm thiểu rủi ro trước tình hình thị trường bị biến động.
Từ đầu năm đến nay, gia đình bà Lê Thị Sửu (ngụ huyện Hàm Thuận Nam) sản xuất được 2 vụ thanh long, nhưng đều bán với giá rất thấp nên bị lỗ nặng. Vụ thanh long tết sắp tới, gia đình bà Sửu không còn vốn để đầu tư tái sản xuất nên đành bỏ không vườn thanh long đang trong thời kỳ sung sức. Còn hộ ông Lê Văn Xuân (ngụ huyện Hàm Thuận Bắc) chỉ dám chong đèn một nửa diện tích của gần một hécta thanh long phục vụ thị trường tết. “Việc chăm sóc, xử lý thanh long nghịch vụ thường tốn nhiều chi phí và công chăm sóc. Với tình hình này chúng tôi không dám liều lĩnh đầu tư nhiều”, ông Xuân nói.
Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, cho biết, sở chỉ đạo các đơn vị quản lý, chuyên môn trực thuộc phối hợp tăng cường công tác thông tin, dự báo thị trường, từ đó khuyến cáo nông dân có kế hoạch rải vụ để tránh sản lượng thu hoạch dồn vào cùng thời điểm. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh tiêu thụ nội địa như ở hệ thống các siêu thị, chợ đầu mối.
Tỉnh Bình Thuận là địa phương có diện tích thanh long lớn nhất cả nước với trên 33.700ha, sản lượng hàng năm trên 700.000 tấn. Dự kiến sản lượng thu hoạch thanh long từ tháng 7 cho đến cuối năm 2021 là 437.000 tấn. Hiện trên 80% sản lượng thanh long của tỉnh được xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.