Hoa kiểng Chợ Lách (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) và Làng hoa Sa Đéc (TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) được xem là “thủ phủ hoa kiểng” tại miền Tây. Nơi đây, cung cấp các loại hoa kiểng cho các tỉnh ĐBSCL, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương,… vào dịp tết.
Ghi nhận tại các xã Long Thới, Vĩnh Thành, Đông Thới, huyện Chợ Lách, vào thời điểm này, nông dân trồng hoa kiểng đang tất bật xuống giống, chăm sóc cây, chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Anh Trần Duy Khoa (xã Long Thới, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) đang tập trung chăm sóc gần 1.000 chậu cúc mâm xôi vừa xuống giống nhằm cung ứng thị trường tết năm nay. Hiện cây đang sinh trưởng tốt, dự báo cây ra hoa đúng vào dịp tết.
Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, cho biết hiện tại nông dân trên địa bàn huyện đang bắt đầu khởi động vụ tết với các loại hoa: cúc mâm xôi, hoa giấy, mai vàng, mào gà, tắc kiểng… với diện tích trồng khoảng trên 700ha. Sản lượng hoa kiểng dự kiến 9 triệu sản phẩm.
Tại Đồng Tháp, theo UBND TP Sa Đéc, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 950ha diện tích hoa kiểng với hơn 2.000 chủng loại hoa kiểng, nhiều nhất là cúc mâm xôi, tập trung chủ yếu ở phường Tân Quy Đông và xã Tân Khánh Đông. Trong đó, diện tích sản xuất cây công trình và trang trí nội thất là khoảng 65%, diện tích hoa các loại khoảng 20%, còn lại là kiểng cổ bon sai với hơn 200 hộ nông dân sản xuất.
Giá trị ngành hàng hoa kiểng thu về mỗi năm hơn 3.000 tỷ đồng, riêng hoa phục vụ tết khoảng 100ha với hơn 2.500 hộ trồng với các loại hoa chủ lực như: cúc mâm xôi, cúc đài loan, cúc đồng tiền, tắc kiểng, các loại cây lá màu, kiểng lá, hồng các loại, hạnh, vạn thọ, cát tường… Hiện người dân đã xuống giống, dự kiến hoa phục vụ thị trường tết năm nay khoảng 2 triệu giỏ.
Năm nay một số loại hoa khó trồng và khó tìm đầu ra được nông dân giảm số lượng và thay thế bằng những giống hoa mới được thị trường ưa chuộng như: cúc pha lê, cúc họa mi, cúc Hàn Quốc nhiều màu… Dự kiến vụ hoa tết năm 2025 sẽ xuống giống dứt điểm vào giữa tháng 10 âm lịch với các loại hoa ngắn ngày như: vạn thọ, mào gà, ly, hướng dương, thược dược…
Ông Trần Văn Tiếp, Chủ nhiệm Hội quán “Tôi Yêu Màu Tím” (TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp), cho biết để chuẩn bị cung ứng hoa cho thị trường tết năm 2025, 40 thành viên của hội quán đang tập trung sản xuất với đủ các chủng loại hoa cúc, hồng… Dự kiến hội sẽ xuất bán khoảng 150.000 chậu cúc mâm xôi và cùng hàng trăm ngàn chủng loại hoa khác cho thị trường tết này. Ngoài ra, hội quán cũng đang sản xuất 1.000 chậu lúa kiểng lá tím bông xanh và 1.000 chậu lúa kiểng lá xanh bông tím cung ứng thị trường cuối năm.
Thời điểm này, anh Nguyễn Thanh Tuyền (ngụ xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc) cũng đã xuống giống 20.000 chậu cúc mâm xôi. Để cây cho hoa đều và đẹp, nở hoa đúng thời điểm tết, anh Tuyền đang khẩn trương tập trung chăm sóc tỉ mỉ, chu đáo và chọn thời điểm bón phân, ngắt cành, tưới nước… cho cây tăng trưởng phát triển tốt.
Tại Vĩnh Long, hơn 100 hội viên của Hợp tác xã Làng nghề mai vàng Phước Định (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ) cũng bắt đầu khởi động, tập trung chăm sóc cây khỏe, đồng thời tỉ mỉ tạo dáng để bán được giá cao. Hiện, làng nghề có 2,5ha diện tích với khoảng 550 gốc mai cổ, 4.000 gốc mai trung và 25.000 gốc mai tiểu, bonsai và 2.500 gốc kiểng khác.
Tương tự, người dân trồng hoa tại Làng hoa Mỹ Phong (Tiền Giang), và nhiều nhà vườn hoa kiểng trên địa bàn tỉnh Long An tất bật xuống giống các loại hoa, kiểng như: sống đời, cúc mâm xôi, ớt kiểng, dừa cạn, dạ yến thảo... để chuẩn bị phục vụ thị trường tết 2025.
Tuy nhiên, bên cạnh quan ngại về sức mua năm nay, thì thời tiết là vấn đề làm cho nông dân trồng hoa vừa trồng, vừa lo lắng.
Theo ngành chức năng các địa phương, năm nay thời tiết không thuận lợi, do có mưa bão, dông lốc và nắng nóng thất thường. Vì vậy, người trồng hoa kiểng sẽ tốn nhiều công sức bảo vệ và chăm sóc.
Ngành chức năng các địa phương khuyến cáo người trồng hoa kiểng cần nắm bắt kịp thời những dự báo từ ngành chức năng về diễn biến của thời tiết để thích ứng sản xuất đạt hiệu quả.