Giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc HTX sản xuất và dịch vụ thủy sản Châu Thành (Đồng Tháp), cho biết: “Từ cuối năm 2020 đến nay giá thức ăn cho cá tăng mạnh. Ngược lại, giá cá tăng rất ít, cộng với thời gian nuôi chậm lớn, kéo dài, khiến chi phí sản xuất tăng, người nuôi tiếp tục thua lỗ từ 2.000-2.500 đồng/kg”.
Cùng nỗi lo trên, ông Nguyễn Văn Tấn, hộ nuôi cá tra lâu năm ở xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú (An Giang), trăn trở: “Hiện tại, hầu hết thức ăn cho cá tra ở ĐBSCL được các nhà máy và đại lý bán ra dao động khoảng 11.300-11.500 đồng/kg, là mức giá rất cao đối với người nuôi cá. Với tình hình này chi phí nuôi cá tra đã nhảy vọt lên 24.000 đồng/kg, trong khi giá cá thương phẩm mà các doanh nghiệp mua cao nhất cũng chỉ 22.000 đồng/kg”.
Trong khi đó, nhiều hộ nuôi heo, gà… cũng đứng ngồi không yên vì giá thức ăn tăng. Ông Dương Quốc Hùng, chủ đại lý thức ăn gia súc, gia cầm ở xã Mỹ An, huyện Mang Thít (Vĩnh Long), bày tỏ: “Giá thức ăn tăng không chỉ người nuôi gặp khó mà các đại lý cũng vất vả bởi những khoản bán thiếu cho nông dân chưa thể thu hồi được”. Với điều kiện hiện nay, để một con heo đạt 100kg phải tốn 4 triệu đồng thức ăn, chưa kể tiền đầu tư con giống 2,5 triệu đồng, cộng thêm chi phí đầu tư chuồng trại, thuốc thú y… nên người nuôi không có lãi.
Nguyên nhân khiến giá thức ăn chăn nuôi tăng vọt được các nhà máy chế biến lý giải là do nguyên liệu đầu vào như bột mì, bánh dầu đậu nành, các loại hạt ngũ cốc… tăng mạnh; cùng với giá cước của các hãng tàu tăng làm chi phí đầu vào của quá trình sản xuất thức ăn tăng.
Điều chỉnh sản xuất để thích ứng
Giá phân bón ở ĐBSCL gần đây cũng tăng cao, nguyên nhân được cho là tác động bởi giá phân bón trên thế giới tăng, cùng các chi phí vận chuyển, nguyên liệu nhập khẩu… đều tăng. Ngoài ra, dịch Covid-19 làm cho việc nhập khẩu một số loại phân bón gặp khó khăn, từ đó đẩy giá nhích lên. Hiện tại, phân bón DAP xanh Trung Quốc được các cửa hàng vật tư nông nghiệp ở ĐBSCL bán ra từ 840.000-850.000 đồng/bao (50kg), tăng khoảng 240.000-250.000 đồng/bao so với thời điểm cuối năm 2020. Giá các loại phân urê sản xuất trong nước như Phú Mỹ, Cà Mau và nhiều loại nhập khẩu từ Trung Quốc, Malaysia… hiện ở mức 450.000-510.000 đồng/bao, tăng từ 100.000-150.000 đồng/bao…
Để ứng phó với tình hình giá phân bón tăng cao, bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, khuyến cáo nông dân cần bón phân cân đối giữa đạm, kali và lân; chú ý điều chỉnh giảm lượng phân đạm phù hợp từng khu vực đất, tránh để cây lúa quá tốt, quá xanh sẽ dễ phát sinh sâu bệnh; vừa tốn nhiều tiền phân bón, vừa tốn thêm tiền mua thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, cần đẩy mạnh quy trình sản xuất tiên tiến, giảm sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, đây là giải pháp hữu hiệu trong điều kiện giá vật tư tăng. Ngoài ra, các địa phương nên tăng cường hỗ trợ nông dân tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác và mô hình cánh đồng lớn để kết nối với doanh nghiệp sản xuất phân bón, các nhà cung cấp vật tư có uy tín… nhằm mua phân bón với giá gốc, tránh các chi phí trung gian.
Đối với cá tra, theo ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản tỉnh An Giang, với tình hình bất lợi hiện nay, ngành chức năng không khuyến cáo nông dân mở rộng diện tích, sản lượng mà cần tập trung ứng dụng công nghệ tiên tiến vào nuôi trồng nhằm giảm tối đa chi phí sản xuất, giảm tỷ lệ hao hụt, nâng cao chất lượng cá, đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch để cung ứng cho các thị trường xuất khẩu khó tính với giá cao. Song song đó, khuyến cáo nông dân chỉ nuôi cá khi có hợp đồng liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu, nhà máy chế biến thức ăn… nhằm ổn định đầu ra và được hỗ trợ thức ăn với giá sỉ, chất lượng; không nên nuôi tự phát, nhỏ lẻ sẽ dễ gặp rủi ro.