Ngày 1-4, Phòng NN-PTNT huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) cho biết: “Đến nay nông dân trong huyện mới bán được hơn 3.000 ha/6.300 ha mía nguyên liệu. Tình hình thu hoạch mía rất chậm do thương lái và nhà máy ít thu mua, dù giá rớt tệ hại”.
Đi dọc các xã An Thạnh 1, An Thạnh 2, An Thạnh 3, An Thanh Đông, An Thạnh Nam… của huyện Cù Lao Dung, hàng loạt diện tích mía đã quá lứa thu hoạch, chín trên đồng nhưng nông dân rất khó bán.
Ông Diệp Văn Tâm (canh tác 10 công mía ở xã An Thạnh 2) chua chát nói: “Gần 1 năm dài chăm sóc ruộng mía vô cùng cực nhọc, nay mía tới kỳ thu hoạch vậy mà kêu bán không ai chịu mua. Giá mía đầu vụ được 700- 800 đồng/kg, nay sụt giảm chỉ còn 500- 550 đồng/kg nhưng bán cũng chẳng được. Sợ mía chết khô trên đồng nên gia đình tôi vừa thuê nhân công đốn mía, thuê ghe lớn chở sang Nhà máy đường Sóc Trăng bán nhưng cuối cùng vẫn lỗ hơn 15 triệu đồng…”.
Theo nhiều nông dân tính toán, vụ mía năm nay nông dân đầu tư chi phí khoảng 50-60 triệu đồng/ha nhưng do giá mía thấp, tiêu thụ chậm… khiến nông dân trồng mía bị lỗ bình quân từ 10-20 triệu đồng/ha.
Tại Trà Vinh, Long An… nhiều nông dân trồng mía cũng lao đao vì giá thấp và khó bán.
Ở huyện Trà Cú (Trà Vinh) có hơn 4.000 ha mía, dù nhiều ruộng mía đã quá ngày thu hoạch khá lâu nhưng nông dân chỉ mới tiêu thụ được khoảng 50% diện tích.
Các nhà máy đường ở ĐBSCL cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng mía tiêu thụ chậm như hiện nay là do giá đường cát trên thị trường quá thấp.
Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco) nhìn nhận: “Giá đường cát trên thị trường hiện sụt giảm xuống mức 11.600- 12.000 đồng/kg. Đây là mức giá rất thấp nhưng sức tiêu thụ rất chậm. Đường cát sản xuất ra nhưng không bán được, số lượng đường tồn kho ở các nhà máy ngày càng tăng nên các nhà máy không dám mua nhiều mía, thậm chí có nhà máy không đủ tiền để trả tiền mía cho nông dân… Tình hình mía đường năm nay vô cùng ảm đạm”.
Một số doanh nghiệp mía đường cũng cho biết, đường Thái Lan nhập lậu ào ạt qua biên giới là một trong những nguyên nhân kéo giá đường nội địa sụt giảm và khó bán.
Trước những khốn khó của ngành mía đường, hiện nay, nhiều hộ nông dân ở ĐBSCL ào ạt bỏ ruộng mía để chuyển sang trồng cây khác đào ao nuôi thủy sản.
Ông Đặng Quốc Huy, một người trồng mía lâu năm ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) than thở: “5 công mía gia đình tôi vừa thu hoạch xong bị lỗ nặng. Vì vậy, gia đình tôi đang phá bỏ toàn bộ ruộng mía và đào ao để chuyển sang nuôi tôm thẻ”.
Theo ông Hồ Thanh Kiệt, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cù Lao Dung, tính toán sơ bộ sau vụ mía này có khoảng 900ha đất mía được nông dân phá bỏ để đào ao nuôi thủy sản, hoặc trồng cây ăn trái, rau màu… Trước đây, huyện Cù Lao Dung có hơn 8.000ha mía (đứng đầu tỉnh Sóc Trăng) nhưng nay diện tích ngày càng giảm và huyện chỉ cố gắng giữ lại khoảng 5.000 ha bởi hiệu quả kinh tế của cây mía mang lại không cao.