Từng trồng nhiều loại cây trồng khác nhau như rau, ớt ngọt, hoa cúc... song nhận thấy thị trường không ổn định nên khoảng 4 năm trước, ông Trúc quyết định đầu tư nhà kính trồng dâu tây bằng giá thể xơ dừa.
Giữa năm 2013, vợ chồng ông Trúc quyết định trồng thử 500 mét vuông dâu tây để tìm hướng đi mới trong kinh tế gia đình. Khác với nhiều mô hình trồng dâu tây ở Đà Lạt khi đó, ông Trúc quyết định theo đuổi phương pháp thủy canh đối với giống dâu tây New Zealand cho sản phẩm sạch và năng suất cao.
"Trồng thủy canh không hồi lưu (thủy canh tĩnh) chỉ sử dụng xơ dừa làm giá thể, đặt cách mặt đất hơn 1 mét. Toàn bộ chất dinh dưỡng được cung cấp qua nguồn nước nhờ hệ thống thiết bị được nhập khẩu từ Isarel, Tây Ban Nha, Hà Lan… Những công nghệ này do tôi tìm hiểu trên mạng Internet và tự dịch tài liệu sách do bạn gửi từ nước ngoài về", ông Trúc chia sẻ.
“Mùa mưa thì cài đặt chế độ tưới tự động 5 lần/ngày, mùa khô thì tưới 7 lần/ngày. Lượng nước và chất dinh dưỡng pha trong nước cũng điều chỉnh theo tốc độ sinh trưởng của cây dâu tây”, ông Trúc cho biết thêm.
Với diện tích 500 mét vuông trồng thử nghiệm đầu tiên cho năng suất cao gấp đôi cách trồng thông thường, chất lượng dâu ngon, ngọt, thơm và đạt tiêu chuẩn an toàn cho người tiêu dùng nên đầu năm 2014, ông Trúc mạnh dạn nhân rộng diện tích vùng trồng dâu tây lên gấp nhiều lần.
Hiện nay, với 9.000 mét vuông, vườn dâu gia đình ông Trúc cho sản lượng khoảng 25 tấn/năm, tiêu thụ chủ yếu TPHCM, Hà Nội, Huế và ngay tại địa phương. Giá bán tại vườn từ 200.000 - 250.000 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí gia đình anh lợi nhuận khoảng 50% (gần 3 tỷ đồng).
Ngoài ra, ông Trúc còn mở cửa cho khách du lịch đến tham quan miễn phí và mua dâu tây tại vườn không qua trung gian để giảm giá bán.