Anh Nguyễn Quốc Minh Ngữ (khu Đất Mới, phường 7, TP Đà Lạt) cho biết, gia đình có 1,5ha trồng rau xà lách. Trước kia cung cấp trung bình từ 6 đến 8 tấn/tháng các loại cho thị trường các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, khoảng 3 tháng trở lại đây, cả khu vườn chỉ cho thu hoạch được gần 1 tấn rau/tháng nhưng chất lượng không đảm bảo do rau nhiễm bệnh.
Còn tại khu vườn kế bên của gia đình bà Bùi Thị Bình, sau khi trồng 38.000 cây rau xà lách và "ứng tiền" trước từ thương lái được 32 triệu đồng. Nhưng do rau nhiễm virus lạ nên gia đình bà phải trả lại tiền đặt cọc, đồng thời phải dùng mọi phương thức cứu chữa cho vườn rau của mình.
Thống kê nhanh hiện nay tại Đà Lạt có hơn 5 ha rau bị bệnh đốm héo, số diện tích bị bệnh không ngừng tăng khiến cho người nông dân chịu thiệt hại nặng.
Theo bà Vũ Thị Thúy, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, tình trạng virus gây hại trên cây trồng bắt đầu từ tháng 4-2017 xuất hiện trên cây hoa cúc, rau xà lách. Đây là một trong những dòng virus lây nhiễm qua côn trùng khiến cho cây trồng có biểu hiện vàng lá, không phát triển, héo rũ.
"Cái khó hiện nay là dòng virus này chưa có thuốc đặc trị nên chúng tôi đã khuyến cáo các vườn ươm khi phát hiện bệnh thì loại bỏ cây giống. Đối với các nhà vườn, khuyến cáo người khi phát hiện bệnh thì tiến hành nhổ bỏ không cố chăm sóc tận dụng. Thực hiện tốt chế độ luân canh với các cây trồng không phải ký chủ của vi rút, hạn chế trồng các giống nhiễm nặng, vệ sinh đồng ruộng tránh sự lây lan do tàn dư cây trồng", bà Thúy cho biết thêm.