Để thay đổi tập quán này, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn nông dân cách sử dụng nông dược an toàn, thu gom thuốc BVTV đem tiêu hủy nhằm hướng tới nền sản xuất nông nghiệp bền vững.
Nông dân ĐBSCL thu gom bao bì thuốc BVTV đem đi tiêu hủy
Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết, thấy vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn ngày càng lo ngại nên từ vụ đông xuân 2012-2013, cục phối hợp với 22 chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật ở các tỉnh phía Nam, các doanh nghiệp… triển khai chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”. Trong đó, ưu tiên thực hiện ở các xã xây dựng nông thôn mới. Qua 5 năm của giai đoạn I (2012 - 2017), chương trình đạt được nhiều thành công...
Chương trình đã phát hơn 559.536 tờ rơi, tuyên truyền bảo vệ môi trường trong cộng đồng nông thôn; thực hiện 15.488 cuộc hội thảo với 626.569 nông dân tham dự; hình thành 167 mô hình sản xuất tiêu biểu tại 22 tỉnh thành trên các cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế như lúa, măng tây, thanh long, bưởi da xanh, xoài, vú sữa, nhãn, mãng cầu, khoai lang, hành tím… tổng diện tích hơn 8.451ha, với 7.686 hộ tham gia.
Chương trình còn hướng dẫn nông dân áp dụng “công nghệ sinh thái”, trồng hoa trên bờ ruộng, bờ vườn để dẫn dụ thiên địch, kiểm soát các loại sâu hại trên đồng ruộng, thiết lập sự cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng...
Từ đó, giảm số lần xử lý nông dược, giảm chi phí đầu tư và nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân. Thành lập 3 vùng chuyên thu gom bao bì rác thải thuốc BVTV sau sử dụng tại ĐBSCL; liên kết với 5 HTX nông nghiệp ở Long An, Đồng Tháp và An Giang xây dựng hố chứa, thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV tiêu hủy, tránh ô nhiễm môi trường. Thời gian qua, nông dân đã thu gom hơn 38.418kg bao bì thuốc BVTV đem đi tiêu hủy.
Thêm một điểm sáng đáng ghi nhận là lần đầu tiên tại khu vực phía Nam, trong vụ hè thu 2016, các doanh nghiệp hợp tác cùng Diễn đàn Lúa gạo bền vững quốc tế (SRP - Sustainable Rice Platform) của Liên hiệp quốc, triển khai mô hình “Cánh đồng lớn áp dụng bộ tiêu chuẩn của SRP”, đưa vào thực hiện cùng với chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” đã mang hướng đi mới trong việc bảo vệ môi trường gắn tuân thủ các tiêu chí SRP; nâng việc sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn, kiểm soát chặt an toàn chất lượng sản phẩm và nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp lên tầm quốc tế.
PGS-TS Nguyễn Văn Huỳnh, nguyên giảng viên Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng (Trường Đại học Cần Thơ), nhận định: “Đa dạng sinh học, đưa đến cân bằng hệ sinh thái, các loại thiên địch ở chung với sâu hại tương tác lẫn nhau, có thể khống chế được các sâu hại và không thể gây hại cho cây trồng, nhằm hướng tới không phải dùng thuốc trừ sâu. Đây là cách làm rất cần thiết nên triển khai rộng rãi…”. Lãnh đạo UBND xã Hiếu Nhơn, huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) cho biết: “Đây là một chương trình giúp cho địa phương thực hiện tốt tiêu chí 17 về bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng xã nông thôn mới. Qua thực hiện, rất nhiều bà con đã thấy được trách nhiệm và quyền lợi của sản xuất nông nghiệp bền vững, an toàn; bởi chương trình đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước ở nông thôn…”.
Ông Đặng Mạnh Khương, Thư ký chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”, tiết lộ: “Hiện nay, người dân nông thôn làm thuê bằng nghề phun thuốc trừ sâu khá nhiều, nhưng không ít hộ còn chủ quan trong bảo vệ môi trường, bảo vệ bản thân mình. Do đó, chương trình đã thành lập 10 CLB với 100 thành viên là những nông dân chuyên phun xịt thuốc thuê trong 5 vùng trồng lúa khá lớn là huyện Vĩnh Hưng (Long An), huyện Tân Hồng (Đồng Tháp), các huyện Vĩnh Bình và Thoại Sơn (An Giang), cùng huyện Hồng Dân (Bạc Liêu). Những nông dân này được hướng dẫn cách sử dụng nông dược an toàn, hiệu quả, đồng thời được trang bị đầy đủ các dụng cụ bảo hộ lao động để bảo vệ sức khỏe. Chương trình còn khám sức khỏe định kỳ cho nông dân của 10 CLB trên. Cách làm này được nông dân phấn khởi hưởng ứng và an tâm khi sức khỏe được đảm bảo”.
Cục Bảo vệ thực vật nhận định, chương trình đạt được kết quả trên nhiều mặt, nhất là nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư ngày càng tăng. Một số mô hình về bảo vệ nguồn lợi thủy sản được tái tạo rõ rệt. Cá đồng, ếch, chim cò… xuất hiện càng nhiều, cho thấy môi trường nông thôn được cải thiện. Giai đoạn 2 (2017 - 2021), chương trình sẽ thực hiện mạnh hơn, quy mô rộng hơn và quy tụ nông dân tham gia nhiều hơn. Cùng với việc sử dụng nông dược an toàn, hiệu quả, chương trình tăng cường bảo vệ hệ sinh thái, hướng đến nền nông nghiệp sạch, xanh và bền vững…