Các ứng viên xuất hiện
Lãnh đạo đa số đảng Cộng hòa tại Hạ viện Steve Scalise (bang Louisiana) và Hạ nghị sĩ kỳ cựu Jim Jordan (bang Ohio) chính thức tuyên bố tranh cử Chủ tịch Hạ viện. Cả 2 ông Scalise và Jordan đều theo đường lối bảo thủ.
Hạ nghị sĩ Scalise đã gửi thư cho các đồng nghiệp hôm 4-10 tuyên bố ý định tranh cử, khẳng định bản thân có thể đoàn kết đảng Cộng hòa đang bị rạn nứt nhờ “thành tích đã được chứng minh về việc tập hợp các quan điểm đa dạng”. Ông Scalise được biết đến là “chiến binh hạnh phúc” của ông McCarthy, vẫn trung thành bất chấp một số căng thẳng giữa 2 người, và được khá nhiều người trong đảng Cộng hòa ủng hộ. Ông Scalise bị thương nặng trong một vụ nổ súng tại một buổi tập bóng chày của quốc hội vào tháng 6-2017, sự cố dẫn đến sự ủng hộ nhiệt tình từ các thành viên của cả 2 đảng. Tuy nhiên, ông Scalise có thể có những nhược điểm đối với các phe phái khác nhau trong đảng. Các nhà lập pháp cực hữu không hài lòng vì ông đã dành nhiều năm nắm quyền lãnh đạo và thân cận với ông McCarthy. Một mối bận tâm khác là ông Scalise gần đây được chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện J. Jordan đã giúp thành lập nhóm Tự do cực đoan phản bác nhiều dự luật của Nhà Trắng. Ông Jordan từ lâu đã được cánh hữu của Hạ viện tán dương để tranh cử chức Chủ tịch Hạ viện. Ông là người ủng hộ ông McCarthy và làm việc thoải mái trong hệ thống cấp bậc của đảng Cộng hòa với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Tư pháp.
Ngoài 2 ứng viên nói trên, Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Tom Emmer (bang Minnesota) đang tìm cách thăng vị trí lên vị trí lãnh đạo đa số tại Hạ viện. Ông cũng không muốn từ bỏ chức Chủ tịch Hạ viện trong trường hợp 2 ứng viên Scalise hoặc Jordan không có đủ sự ủng hộ cần thiết. Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Kevin Hern (bang Oklahoma), lãnh đạo phe bảo thủ lớn nhất với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu của đảng Cộng hòa; Hạ nghị sĩ Byron Donalds (bang Florida) cũng là các ứng viên tiềm năng.
Tình hình cấp bách
Hiến pháp Mỹ đề cập đến sự cần thiết của Chủ tịch Hạ viện nhưng không nói nhiều về nhiệm vụ của họ. Tuy nhiên, quốc hội đã củng cố vai trò của Chủ tịch Hạ viện sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, trong đó, có thể phê duyệt các kế hoạch dự phòng mới trong trường hợp xảy ra sự kiện thảm khốc. Ông Matthew Green, giáo sư chính trị tại Đại học Công giáo, cho biết, mọi việc sẽ do Chủ tịch Hạ viện tạm thời Patrick T. McHenry thiết lập vì chưa bao giờ xảy ra tình huống tương tự trong lịch sử Hạ viện. Còn ông McHenry có vẻ đang muốn an toàn vì sau khi ông McCarthy bị lật đổ, một trong những hành động đầu tiên của ông - với tư cách là Chủ tịch Hạ viện tạm thời, là quyết định cho Hạ viện tạm nghỉ. Theo quan điểm của ông McHenry, trước khi tiến hành bầu chọn Chủ tịch Hạ viện, nên thận trọng nghỉ giải lao nhằm dành sức cho các cuộc thảo luận kỹ hơn về con đường phía trước.
Theo báo Washington Post, hiện tại, Hạ viện Mỹ vẫn chưa ổn định sau vụ phế truất ông Kevin McCarthy trong khi biện pháp chi tiêu mới nhất của chính phủ sắp hết hạn vào ngày 18-11. Sau ngày này, dù có hay chưa có Chủ tịch Hạ viện mới, dự báo sẽ có một “cuộc chiến” về ngân sách mới giữa đảng Cộng hòa và Dân chủ ở cả lưỡng viện, nhất là liên quan đến việc tiếp tục cấp viện trợ cho Ukraine. Sự tê liệt của Hạ viện đang ảnh hưởng đến các nhánh khác của chính phủ, vì không có đạo luật hoặc biện pháp nào được đưa ra. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết chính phủ liên bang còn rất nhiều việc phải làm để đạt được thỏa thuận chi tiêu trong vài tuần, nhưng “hơn bất cứ điều gì, chúng ta cần thay đổi bầu không khí độc hại ở Washington”.
Lãnh đạo thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell (đảng Cộng hòa, bang Kentucky) đã lên tiếng ca ngợi ông McCarthy, đồng thời hy vọng bất kể Chủ tịch Hạ viện sắp tới là ai cũng sẽ loại bỏ quy trình bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện. Theo ông McConnell, việc phế truất người đứng đầu Hạ viện khiến công việc của cơ quan lập pháp này trở nên bất khả thi trong khi người dân mong đợi hệ thống hoạt động hiệu quả. Bất cứ ai được bầu làm Chủ tịch Hạ viện vẫn sẽ phải đối đầu với những người theo đường lối cứng rắn của đảng Cộng hòa, những người đã kêu gọi đảng Dân chủ hành động mang tính đột phá, từ việc cho phép vỡ nợ đến đóng cửa chính phủ, thay vì thỏa hiệp.