Công tác quản lý của các quận, huyện được cấp phép sử dụng vỉa hè chưa thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm nên tình trạng lấn chiếm, dựng lều bạt và để xe máy không đúng quy định tái diễn thường xuyên. Trong năm 2018, trên địa bàn quận Hải Châu (được xem là trung tâm của thành phố) phát hiện 4.228 trường hợp vi phạm, trong đó nhắc nhở 3.159 vi phạm nhỏ lẻ, yêu cầu cam kết không tái phạm 358 trường hợp; 21 tuyến đường trọng điểm vẫn tồn tại các loại vật cản, quảng cáo rao vặt…
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết: “Sắp tới đây, thành phố sẽ có một loạt biện pháp về dừng đậu xe, lưu thông xe, tiếp tục cấm những xe lớn lưu thông trên một số tuyến trong những giờ cao điểm và tăng cường biện pháp dừng đậu xe theo quy định”.
Sẽ cấm dừng đậu mô tô, xe gắn máy, xe đạp trên tuyến đường Bạch Đằng từ 18 giờ đến 22 giờ 30 hàng ngày và bố trí chỗ đậu xe tại các vị trí phù hợp. Đồng thời, các cá nhân và tổ chức sử dụng vỉa hè phải đảm bảo giữ gìn mỹ quan, trật tự đô thị.
Dịch vụ du lịch là một trong những thế mạnh kinh tế của Đà Nẵng, đặc biệt là quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn. Tuy nhiên, trên địa bàn quận Sơn Trà vẫn còn những bất cập dẫn đến tình trạng tồn đọng rác thải ở nhiều nơi, ô nhiễm môi trường ở nhiều khu vực. Tại hội nghị “Tăng cường công tác đảm bảo trật tự đô thị trên địa bàn thành phố” được UBND TP Đà Nẵng tổ chức mới đây, đại diện UBND quận Sơn Trà cho rằng: “Một số tuyến đường như Ngô Quyền, Võ Nguyên Giáp gần như không có nơi tập kết rác để thực hiện đúng mỹ quan đô thị. Việc triển khai đề án “Mua rác theo giờ” gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, quận có 7 phường nhưng chưa có phường nào triển khai được”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh, việc tập kết rác đang là vấn đề hết sức nóng. Đến thời điểm này, bãi rác Khánh Sơn (ở quận Liên Chiểu) chỉ còn hơn 250 ngày nữa là đầy rác. Việc cấp bách bây giờ là tìm nơi để xây dựng bãi tập kết rác mới. Nếu không, trong thời gian tới, thành phố sẽ ngập rác, trở thành “thành phố chết”…