“Nóng” chuyện chuyển giá ở các doanh nghiệp liên kết trong nước

Lâu nay, nhà nước đau đầu với các câu chuyện chuyển giá của nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tập đoàn đa quốc gia, thì nay câu chuyện chuyển giá lan rộng ra các doanh nghiệp liên kết trong nước. Asanzo là một điển hình cho việc thành lập nhiều doanh nghiệp liên kết mua bán lẫn nhau để trốn thuế rồi… mất tích! Thế nhưng, việc xử lý chưa nghiêm nên đến giờ chiêu thức này ngày càng lan rộng. 

Chuyển giá qua lãi suất, giá thiết bị

Hình thức chuyển giá phổ biến của nhiều công ty đa quốc gia là đặt công ty mẹ ở quốc gia, vùng lãnh thổ có mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp, rồi mua bán hàng hóa, dịch vụ, nguyên liệu đầu vào với công ty con tại Việt Nam với giá cao. Giá nguyên liệu đầu vào cao, không ít doanh nghiệp còn tìm mọi cách khai tăng các chi phí khác (chi phí quảng cáo, khuyến mại) để “không có lãi nộp thuế” tại Việt Nam. 

Người tiêu dùng mua rau tại siêu thị Big C. Ảnh: CAO THĂNG
Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thường khai giá chi phí đầu vào cao bất thường. Như Coca Cola khai giá hương liệu đầu vào nhập từ công ty mẹ cao hơn so với nguyên liệu của công ty giải khát trong nước, đẩy mạnh các chi phí quảng cáo… nên gần 20 năm qua doanh nghiệp này luôn báo lỗ! Nhiều doanh nghiệp FDI thường tăng chi phí bằng cách quảng cáo, khuyến mại và tận dụng việc này để tuyên truyền quảng cáo cho cả công ty mẹ, để “tiêu” hết lợi nhuận, không phải nộp thuế.

Gần đây, các đại biểu Quốc hội cũng đặt ra vấn đề chuyển giá thông qua giá vốn - giá đầu tư ban đầu. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp FDI thực hiện chuyển giá thông qua việc xác định giá nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu cao và xuất bán giá thấp để thua lỗ. Ngay từ đầu, trong luận chứng kinh tế - kỹ thuật của dự án, doanh nghiệp chủ động tăng giá đầu vào (máy móc, thiết bị, bí quyết kỹ thuật, sáng chế phát minh…) để tạo giá trị khủng về tài sản cố định của doanh nghiệp. Sau đó, trong quá trình sản xuất và kinh doanh, doanh nghiệp tiếp tục thay thế máy móc thiết bị mới với giá khống để tăng vốn mở rộng sản xuất, tạo ra giá trị ảo về vốn. Khi giá trị đầu tư cao thì mức khấu hao sẽ tăng lên, do vậy giá thành cũng cao lên, kéo lợi nhuận xuống thấp hoặc không có lợi nhuận và cuối cùng là doanh nghiệp không phải nộp thuế. Hầu hết các “ông lớn”  đều tạo lỗ hoặc báo lãi nhỏ giọt nhưng vẫn mở rộng đầu tư.

Chiêu thức tạo giá đầu tư ảo này cũng đã được nhiều doanh nghiệp trong nước ứng dụng thông qua các hợp đồng góp quyền sử dụng đất nhưng tự định giá với giá cao; hợp đồng góp vốn bằng quyền sáng chế với giá “khủng”… nhằm khấu hao cao và giảm lãi hoặc tạo lỗ ảo.

Đến mua bán lòng vòng 

Một hình thức chuyển giá phổ biến được các doanh nghiệp áp dụng, đó là lập ra nhiều “doanh nghiệp ma” để mua bán lẫn nhau, nhằm che giấu nguồn gốc hàng gian, hàng giả, chuyển lãi cho doanh nghiệp “ma” rút tiền rồi bỏ trốn. Asanzo là một minh chứng. Công ty này tạo ra nhiều công ty liên kết (“công ty ma”) để đứng ra nhập thiết bị, linh kiện điện tử nhằm không phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (theo quy định, hàng hóa nhập nguyên chiếc mới phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt). Sau đó, các “công ty ma” ký bán cho Asanzo trên hợp đồng ghi là “hàng thành phẩm nguyên chiếc”, để Asanzo bán ra thị trường mà không phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Thế nhưng, thực tế hàng hóa bán cho Asanzo là linh kiện chứ không phải hàng nguyên chiếc, vì cơ quan thuế đã chứng minh Asanzo có hợp đồng thuê bên thứ ba lắp ráp hàng hóa cho Asanzo. 

Và để trốn luôn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), “công ty ma” bán giá hàng nguyên chiếc cho Asanzo với giá cao, tiệm cận với giá Asanzo bán ra thị trường. Đó là lý do Asanzo có doanh thu 1.400 tỷ đồng nhưng nộp thuế chỉ… 50 triệu đồng! Và ở công ty ma, khi nhập linh kiện về với giá 1 đồng thì công ty này ký bán cho Asanzo với giá gấp 4 lần. Sau khi chuyển khoản thanh toán xong, vợ của Tổng Giám đốc Asanzo quay lại công ty “ma” ký tên rút tiền lại. Cục thuế TPHCM đã chứng minh tổng số tiền được rút trở lại là 500 tỷ đồng! Hành vi trốn thuế đã rõ nên cơ quan thuế đã chuyển hồ sơ sang công an điều tra xử lý.

Nguyên nhân do đâu?

Điều khiến dư luận chờ đợi và bức xúc là vụ Asanzo chưa thấy được cơ quan chức năng xử lý. Trong khi, dấu hiệu trốn thuế tiêu thụ đặc biệt của Asanzo đã rõ (chứng minh qua hợp đồng Asanzo thuê bên thứ ba lắp ráp, gia công để tạo ra hàng thành phẩm, bán ra thị trường nhưng không khai nộp thuế tiêu thụ đặc biệt). Còn trách nhiệm của “công ty ma” quá rõ khi bán giá gấp 4 lần nhưng không khai nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, rồi bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh. Đương nhiên, người đứng tên chịu trách nhiệm trước pháp luật phải là người bị xử lý, nhưng đến giờ vẫn chưa bị xử lý. Ngoài ra, hành vi rút tiền mặt của vợ Tổng Giám đốc Asanzo tại “công ty ma” (cũng là công ty có hoạt động mua bán linh kiện với doanh nghiệp Trung Quốc), có dấu hiệu chuyển giá cần được xử lý nhưng đến giờ vẫn chưa xử lý.

Tương tự như thế, hoạt động chuyển giá qua hình thức gia công cũng có chiêu thức trốn thuế như thế. Nhiều công ty mẹ ở nước ngoài thay vì mua hàng của công ty ở Việt Nam để bán trên thị trường thế giới, thì “lách” bằng hình thức “giao gia công” với giá gia công rất thấp. Nguyên vật liệu tạm nhập tái xuất, giá gia công rẻ bèo, công ty tăng các khoản chi phí khác lên khiến hoạt động của các doanh nghiệp này không lãi hoặc lỗ, để không phải nộp thuế.  

Các chuyên gia cho rằng, hoạt động chuyển giá, trốn thuế đã đến hồi cảnh báo và trước hết phải xử lý nghiêm, nhanh chóng các hành vi chuyển giá, trốn thuế. Các cơ quan tư pháp phải xử lý hình sự các hoạt động câu kết trốn thuế một cách kịp thời, có hiệu quả; phải chống tiêu cực trong hoạt động làm án, khởi tố chậm trễ.

Với những doanh nghiệp FDI khai giá không đúng thực tế, có dấu hiệu trốn thuế, cần có quy định “ấn định thuế” trên doanh số như đối với hộ kinh doanh cá thể. Cơ quan thuế cũng có thể ấn định dựa trên giá giao dịch tương đương ngoài thị trường. Phải ban hành quy chế xử phạt, cụ thể hóa hình thức phạt, mức phạt để tạo công bằng và hiệu quả trong công tác kiểm tra, đồng thời xử lý các trường hợp vi phạm, giảm thiểu các tiêu cực có thể xảy ra.

Lãi vay của doanh nghiệp liên kết không quá 30% lãi doanh nghiệp
(SGGP).- Chính phủ vừa ban hành Nghị định 68/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Theo đó, kể từ ngày 24-6-2020 (ngày nghị định có hiệu lực) tính từ kỳ tính thuế năm 2019, tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết như sau: (1) tổng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần (trước đây là 20%); (2) phần chi phí lãi vay không được trừ theo quy định nêu trên được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo nếu thấp hơn mức quy định tại quy định trên. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 5 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ; (3) quy định mức lãi suất được trừ kể trên không áp dụng cho các tổ chức tín dụng, công ty bảo hiểm, các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi của Chính phủ thực hiện theo phương thức Chính phủ đi vay nước ngoài cho các doanh nghiệp vay lại…
Người nộp thuế được khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN năm 2017, 2018 để xác định chi phí lãi vay, số thuế TNDN phải nộp tương ứng (nếu có) và nộp cho cơ quan thuế trước ngày 1-1-2021. Trường hợp sau khi khai bổ sung, số thuế TNDN giảm thì sẽ được giảm số tiền chậm nộp tương ứng (nếu có). Đối với trường hợp người nộp thuế có số tiền thuế TNDN, tiền chậm nộp đã nộp ngân sách nhà nước lớn hơn số tiền thuế TNDN, tiền chậm nộp đã xác định lại thì phần chênh lệch được bù trừ vào số thuế TNDN trong năm 2020 và các năm tiếp theo (nhưng không quá 5 năm). 
CHẾ HÂN

Tin cùng chuyên mục