Cùng với đó, ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn ra phức tạp, khiến nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có nguy cơ bùng phát thành dịch, lây lan trong cộng đồng.
Một người mắc, nhiều người phải dự phòng
Mặc dù chỉ mới bước vào đầu mùa nắng nóng, nhưng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện (BV) Bạch Mai đã phải tiếp nhận điều trị một số trường hợp bị viêm não, viêm màng não mủ do vi khuẩn não mô cầu, trong đó có trường hợp rất nặng. Phải nằm phòng cách ly và trải qua gần một tuần được điều trị tích cực, nhưng trường hợp của bệnh nhân N. (30 tuổi, ở Hưng Yên) vẫn rất nguy hiểm. Theo các bác sĩ, nam thanh niên trên có các triệu chứng đau họng, ho khan, sốt cao trên 39oC, đau đầu và buồn nôn. Sau khi được người thân đưa đến BV tỉnh Hưng Yên, chỉ một ngày sau, bệnh nhân đã phải chuyển viện lên BV Bạch Mai trong tình trạng rất nặng, rối loạn ý thức và kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị viêm màng não mô cầu. TS Nguyễn Văn Dũng, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm BV Bạch Mai, cho biết viêm màng não mô cầu là một trong những thể bệnh nặng của nhiễm khuẩn do vi khuẩn não mô cầu gây ra. Đáng lo ngại, bệnh rất dễ lây lan qua tiếp xúc nên tất cả nhân viên y tế và những người tiếp xúc gần với bệnh nhân trên đều phải uống kháng sinh dự phòng.
Trong khi đó, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận điều trị 2 trường hợp trẻ nhỏ bị viêm não mô cầu ở Ba Vì và Đông Anh (Hà Nội). Ngay sau khi phát hiện những ca bệnh viêm não mô cầu đầu tiên trong năm nay, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã lập danh sách, cách ly và theo dõi sức khỏe của hàng chục người tiếp xúc gần với bệnh nhân. Các chuyên gia y tế cảnh báo, viêm não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm. Đáng lo ngại, dịch bệnh này dễ lây truyền theo đường hô hấp, thường xảy ra ở nơi tập trung đông người và ở lứa tuổi trẻ. Tệ hơn, viêm não mô cầu có tỷ lệ tử vong khá cao (8% - 15%) và trong trường hợp cứu chữa được, người bệnh cũng thường bị di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, bị điếc và liệt. Do đó, khi phát hiện ca nghi nhiễm, bệnh nhân cần được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, cách ly để tránh lây lan dịch. Bệnh nguy hiểm nhưng có thể dự phòng bằng cách tiêm vaccine.
Nhiều dịch bệnh nguy hiểm
Với khí hậu mùa hè, nhiệt độ tăng cao, môi trường ô nhiễm là điều kiện thuận lợi cho nhiều nguồn truyền bệnh phát triển mạnh, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết (SXH), thủy đậu, sởi, rubella, tay chân miệng... Cùng với đó, các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa cũng có thể gia tăng do không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đại diện Cục Y tế dự phòng cảnh báo, tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục còn diễn biến phức tạp, nguy cơ các bệnh mới nổi và nguy hiểm gia tăng tại nhiều nước trên thế giới và xâm nhập vào nước ta.
Trong khi đó, ở trong nước, tình hình dịch SXH tiếp tục tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát. Tuy từ đầu năm 2018 đến nay, số ca mắc SXH cả nước giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng dự báo dịch bệnh SXH trong thời gian tới có nguy cơ gia tăng số người mắc, vì tình hình SXH tại nhiều nước trong khu vực vẫn duy trì ở mức cao. Cùng với đó, tình trạng biến động dân cư, giao lưu đi lại giữa các vùng miền làm gia tăng nguy cơ lan rộng và khó quản lý, kiểm soát nguồn truyền bệnh. Cùng với quá trình đô thị hóa, nhiều công trình xây dựng, công ty, nhà máy, nhà trọ, lán trại và khu tập thể cũ không được quan tâm xử lý, tạo nhiều ổ nước đọng sau mưa, phát sinh các ổ lăng quăng.
Theo Bộ Y tế, đến nay cả nước đã ghi nhận trên 5.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, thủy đậu, rubella và khoảng 200 trường hợp mắc sởi. Đáng chú ý, PGS-TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết qua theo dõi dịch tễ cho thấy dịch sởi có chu kỳ 4 năm quay lại một lần. Tại miền Bắc, năm 2013-2014 đã xảy ra vụ dịch sởi rất lớn làm nhiều trẻ nhỏ mắc và tử vong, nên theo chu kỳ, năm nay có thể là năm dịch sởi sẽ quay trở lại.
Theo nhiều chuyên gia dịch tễ, mọi người đều có thể mắc các bệnh truyền nhiễm vào mùa hè, nhưng trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh và lây lan. Do đó, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị, địa phương thực hành các biện pháp vệ sinh phòng chống dịch bệnh. Tăng cường thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, các dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, các bếp ăn tập thể, để phòng tránh các bệnh lây truyền qua thực phẩm. Bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt trên 95% quy mô xã, phường, thị trấn.
Bộ Y tế cũng đề nghị người dân cần thực hiện đầy đủ các nội dung khuyến cáo mà ngành y tế đưa ra như: Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên, không cho muỗi đẻ trứng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà bông; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện ăn chín, uống chín; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch. Khi có dấu hiệu bất thường nghi nhiễm bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị, nhất là không tự ý điều trị.