Nhưng việc tấm bản đồ quy hoạch rừng Sóc Sơn năm 2008, bao trùm lên cả những ruộng vườn, nhà ở và các công trình công cộng ở Minh Tân đang không chỉ khiến cho những người dân bị mang tiếng là xâm phạm rừng phòng hộ, cư trú trái phép mà còn làm nảy sinh nhiều sai phạm về đất đai và trật tự xây dựng phức tạp, kéo dài khó giải quyết.
Trước sự việc bỗng dưng toàn bộ nhà cửa, đất đai ruộng vườn của bà con thôn Minh Tân đều nằm trọn trong quy hoạch rừng phòng hộ trong khi họ là những người đổ công sức ra trồng rừng lại không được biết, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Dương Văn Nhuận, Chủ tịch UBND xã Minh Trí, cho biết, theo quy hoạch, Minh Trí có gần 1.000ha rừng phòng hộ, trong đó có 668ha rừng khoán bảo vệ hàng năm, còn lại đất ở, đất rừng, vườn cây, nhà cửa của bà con đi khai hoang vùng kinh tế mới. Việc toàn bộ nhà ở, ao vườn liền kề của người dân đều nằm trong quy hoạch rừng là do trách nhiệm và sự tắc trách của cán bộ địa phương thời bấy giờ. Bởi lẽ trong lần đo đạc đầu tiên để lập bản đồ địa chính vào năm 1992, vùng kinh tế mới Đồng Đò không được đề cập tới, có lẽ do vùng kinh tế mới này quá xa xôi, cách trở nên chẳng ai vào. Đến năm 1993, bản đồ địa chính được công bố nhưng không có thôn Minh Tân. Thời điểm đó, UBND xã Minh Trí đã có văn bản đề nghị huyện Sóc Sơn bổ sung thôn Minh Tân vào quy hoạch và vẽ lại bản đồ. Tới năm 1998, Sở NN-PTNT Hà Nội làm bản đồ quy hoạch rừng phòng hộ đặc dụng dựa vào bản đồ địa chính năm 1993 nhưng vì không có thôn Minh Tân được phân tách, đồng nghĩa với việc các hộ dân vùng kinh tế mới Đồng Đò vẫn nằm trong quy hoạch rừng. Tiếp đó tới tháng 3-2006, UBND huyện Sóc Sơn mới quyết định thành lập tổ công tác thực hiện việc thống kê số hộ, để đo bản đồ địa chính tại thôn Minh Tân và sơ bộ khảo sát diện tích thực tế cần phải đo đạc nhưng chưa làm được tới nơi, tới chốn nên thôn Minh Tân vẫn nằm ngoài bản đồ địa chính.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Trưởng thôn Minh Tân năm 2003, cho biết, vào năm 2006, bà con ngày đó được tham gia kiểm đếm đất đai cùng chính quyền để phục vụ việc cắm mốc, làm bản đồ nhưng khi thực hiện, UBND huyện Sóc Sơn chỉ xác nhận cho mỗi gia đình 400m2 đất ở, còn lại là đất rừng sản xuất. Trong khi thực tế bà con bỏ nhiều công sức ra khai hoang đất đai, cải tạo quỹ đất vườn liền kề, đất sản xuất nông nghiệp, ao vườn lên tới hàng ngàn mét vuông mỗi hộ mà chỉ được chính quyền công nhận có 400m2 đất ở nên người dân không chấp nhận, dẫn tới việc lập bản đồ địa chính dở dang. Dù vậy suốt từ năm 2003 tới nay, các hộ dân sinh sống tại vùng kinh tế mới Đồng Đò vẫn đóng thuế sử dụng đất đầy đủ theo quy định của nhà nước.
Qua trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Phòng TN-MT huyện Sóc Sơn cho biết, quy hoạch đất rừng ở Sóc Sơn được thực hiện theo nhiều giai đoạn. Đầu tiên là năm 1998, Sở NN-PTNT Hà Nội thực hiện quy hoạch rừng dựa theo bản đồ địa chính nhưng thời điểm này, diện tích đất ở thôn Minh Tân không được tách ra, vẫn nằm trong đất rừng phòng hộ vì không có bản đồ địa chính đo năm 1992. Tiếp đến năm 2008 điều chỉnh quy hoạch về đất rừng phòng hộ Sóc Sơn lần thứ 2 có đề nghị tách diện tích đất ở của người dân thôn Minh Tân ra khỏi đất rừng phòng hộ nhưng không làm được cũng vì không có bản đồ địa chính năm 1992. Vì thế, trách nhiệm đầu tiên ở đây là chính quyền xã, tiếp đó là trách nhiệm của huyện và sở ban ngành trong việc thực hiện quy hoạch còn thiếu sót. Trong khi trao đổi với phóng viên, Trưởng thôn Minh Tân thẳng thắn chỉ rõ đây là trách nhiệm của các cấp chính quyền trong lúc vẽ bản đồ quy hoạch rừng không sâu sát địa bàn khi người dân bỏ công sức khai hoang, xây dựng vùng kinh tế thành vùng đất trù phú thì toàn bộ thôn Minh Tân lại nằm trọn trong đất rừng phòng hộ là điều vô lý.
Ai sai người đó phải bị xử lý
Trở lại với thực tại hiện nay sau khi Thanh tra TP Hà Nội quyết định thanh tra toàn bộ đất đai và trật tự xây dựng ở 2 xã Minh Trí và Minh Phú, huyện Sóc Sơn thì tới cuối tháng 10-2018 theo ghi nhận của chúng tôi, các hoạt động xây dựng ở trên địa bàn xã Minh Trí đều đã bị dừng lại, nhất là với 27 công trình vi phạm. Ông Dương Văn Nhuận, Chủ tịch UBND xã Minh Trí, cho biết, trong số các công trình vi phạm này có 22 công trình nằm trong khu vực quy hoạch rừng phòng hộ trên địa bàn thôn Minh Tân. Chủ của các công trình vi phạm này hầu hết không phải là bà con, người dân xây dựng vùng kinh tế mới trước đây mà là người ở nơi khác tới mua đất của người dân địa phương rồi xây dựng công trình. Trong đó có những công trình xâm lấn vào rừng phòng hộ, cũng như khu vực hồ Đồng Đò. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND xã Minh Trí từ chối cung cấp những thông tin cụ thể về những công trình vi phạm cũng như chủ nhân của nó mà chỉ cho biết từ năm 2015 đến nay sau khi pháp hiện những vi phạm, chính quyền xã có báo cáo UBND huyện Sóc Sơn. Hiện nay, UBND xã Minh Trí đã lập biên bản yêu cầu dừng các công trình vi phạm, dừng xây dựng để chờ chỉ đạo từ cấp trên, cũng như chờ kết quả thanh tra để xác định công trình nào xâm lấn đất rừng phòng hộ, công trình nào nằm trên đất ở, đất vườn ao chuồng liền kề của người dân đi khai hoang. Công an xã Minh Trí và huyện Sóc Sơn cùng các lực lượng chức năng cũng thường xuyên túc trực, tuần tra để ngăn chặn việc phát sinh những sai phạm mới.
Trước câu hỏi về việc vì sao khi người dân ở thôn Minh Tân chuyển nhượng đất nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ cho người ở nơi khác mà chính quyền xã không ngăn chặn, vẫn xác nhận việc mua bán, ông Dương Văn Nhuận thừa nhận, nhiều hồ sơ mua bán chưa đủ điều kiện nhưng vẫn được xác nhận của chính quyền địa phương là do khả năng nhận thức, hiểu biết về pháp luật, các quy định của nhà nước của cán bộ xã còn hạn chế và sơ suất. Hiện nay Thanh tra TP Hà Nội đang thanh tra làm rõ đúng sai, trách nhiệm của ai, cấp nào, đơn vị nào. Quan điểm của xã Minh Trí là cá nhân, tổ chức nào làm sai thì phải chịu trách nhiệm và bị xử lý kỷ luật. Chính quyền cũng sẽ cương quyết xử lý những công trình vi phạm khi có chỉ đạo từ cơ quan cấp trên..
Trở lại với thôn Minh Tân, qua tìm hiểu của phóng viên, những năm 2015 trở về trước, nhiều hộ dân ở đây sau khi khai hoang có được hàng ngàn mét vuông đất vườn ao chuồng đã chuyển nhượng, bán lại cho một số cá nhân ở những nơi khác tới mua với giá khoảng 25-35 triệu đồng/ha, tùy vị trí. Theo ông Nguyễn Đình Cường, việc một số hộ dân ở thôn Minh Tân bán lại đất cho người nơi khác tới mua chẳng có gì sai vì chính quyền xã đều biết và chứng nhận việc mua bán. Hơn nữa, người dân cũng không hề biết toàn bộ nhà cả, đất đai, vườn cây, ao chuồng liền kề mà hàng chục năm qua họ bỏ công sức khai hoang lại nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ. Đối với những cá nhân ở nơi khác sau khi mua đất ở, vườn cây của người dân địa phương, rồi bạt núi, xẻ rừng, lấn hồ Đồng Đò để xây dựng biệt phủ, villa, khu nghỉ dưỡng như khu tổ hợp Hoàng Lê Gia Garden... thì trách nhiệm quản lý là của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của huyện Sóc Sơn.
Liên quan đến các hộ dân ở thôn Minh Tân đều nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ, ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, cho biết, giai đoạn trước chưa đo đạc được bản đồ địa chính đất ở, nhưng nay Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã đo đạc xong tổng thể đất thổ cư, đất ở. UBND huyện đang thực hiện các quy trình thông qua cộng đồng dân cư thẩm định, báo cáo UBND TP Hà Nội để xin điều chỉnh quy hoạch rừng, bóc tách thực trạng đất người dân đang ở ra khỏi đất rừng phòng hộ. UBND huyện Sóc Sơn cũng đã ban hành công văn chỉ đạo các xã nghiêm cấm việc chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hoặc ký xác nhận chuyển đổi, chuyển nhượng, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với những thửa đất, diện tích đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. |