Vào mỗi dịp cuối năm, nhu cầu về hàng hóa lớn, sức tiêu thụ tăng mạnh, lợi nhuận cao nên các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách, thủ đoạn để đưa hàng lậu vào nội địa nước ta. Hàng hóa nhập lậu chủ yếu vẫn là thuốc lá, đường cát, rượu tây, bánh kẹo, mỹ phẩm, hàng điện tử -điện lạnh… Còn quanh khu vực cửa khẩu, lượng phương tiện xuất nhập hàng hóa qua biên giới cũng gia tăng, cùng với đó là những thủ đoạn vô cùng tinh vi để trốn thuế, gian lận thương mại. Thậm chí, các đối tượng còn trà trộn hàng cấm, hàng lậu vào những lô hàng nhập khẩu chính ngạch, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong phát hiện và xử lý.
Có mặt tại khu vực quanh các cửa khẩu lớn ở tỉnh Lạng Sơn như: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma, Cốc Nam… những ngày này, chúng tôi ghi nhận hoạt động vận chuyển hàng lậu vào nội địa diễn ra rầm rộ. Tương tự, trên tuyến biên giới từ tỉnh Tây Ninh xuống tỉnh Kiên Giang, xuyên qua các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, từ các ngả đường kết nối với nước bạn Campuchia, nơi nào cũng thấy bóng dáng đối tượng và phương tiện buôn lậu xuất hiện. Quanh các cửa khẩu là hàng trăm lối mở, đường mòn… phức tạp, chính là “địa lợi” cho các đối tượng nhập hàng phi pháp.
Cửa khẩu Chi Ma (ở huyện Lộc Bình) nằm cách TP Lạng Sơn gần 40km. Sau hơn 3 tháng mở cặp cửa khẩu song phương Chi Ma (Việt Nam) - Ái Điểm (Trung Quốc), lượng hàng hóa qua cửa khẩu này rất thưa thớt, dù đang là thời điểm cuối năm. Tuy nhiên, trái ngược với sự yên tĩnh, vắng lặng trong khu vực cửa khẩu, tại các đường mòn, lối tắt xung quanh như khu vực mốc 1228, 1229, 1230 thuộc địa phận các thôn Nà Phát, Nà Quân (xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) hoạt động vận chuyển hàng lậu diễn ra vô cùng sôi động.
Nóng bỏng nhất vẫn là thời điểm nửa đêm về sáng, nhiều đoàn xe gắn máy, ô tô “cóc” chở gia cầm giống, trứng gia cầm, thịt gia súc… từ bên kia biên giới phóng bạt mạng qua các chốt chặn của lực lượng chức năng. Một cửu vạn là thổ địa ở xã Yên Khoái cho biết: “Bà con địa phương phải làm thuê, bốc xếp, vận chuyển hàng qua biên giới để kiếm thêm thu nhập. Mỗi gánh hàng khoảng 60 - 70kg chuyển trót lọt qua đường biên giới được chủ hàng trả 100.000 đồng”.
Trong khi đó, ông Hoàng Văn Quân, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma, cho rằng các chủ hàng thuê cửu vạn, bà con địa phương vận chuyển hàng lậu đều bắt đặt cọc tiền nhằm ràng buộc trách nhiệm của người vận chuyển. Nếu lô hàng có giá trị 1 triệu đồng thì người vận chuyển phải đặt cọc tới 800.000 đồng, khi vận chuyển trót lọt qua biên giới mới được trả lại tiền cọc cùng tiền công.
Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, không ít lô hàng máy móc, thiết bị công nghiệp, nguyên liệu sản xuất được nhập khẩu qua đường chính ngạch nhưng lại bị khai sai chủng loại để trốn thuế. Các mặt hàng điện tử gia dụng là hàng cũ bị cấm nhập nhưng khai gian là hàng mới hoặc trộn lẫn hàng cũ với hàng mới để nhập khẩu.
Nhiều đầu nậu đã đặt sản xuất một số hàng tiêu dùng giả, nhái thương hiệu tại Trung Quốc rồi chuyển về Việt Nam đóng gói. Nhiều sản phẩm đặt in luôn nhãn mác và tem chống hàng giả tại nước ngoài, về trong nước chỉ việc chia lẻ đóng gói tuồn ra thị trường.
Hàng đổ về TPHCM
Từ sáng sớm tại xã Phước Chỉ (huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh), cứ vài chục phút lại thấy từng tốp xe gắn máy 2 bánh thồ thuốc lá chạy bạt mạng trên tuyến lộ ven kênh Rạch Tràm. Cũng trên tuyến kênh này, chốc chốc xuất hiện chiếc vỏ lãi chất đầy đủ loại hàng hóa hướng từ phía biên giới Campuchia về Việt Nam. Hàng lậu được đưa về tập kết tại vài nhà kho cập bên sông Vàm Cỏ Đông; từ đây, hàng chuyển lên ô tô tiếp tục tỏa đi các hướng, số khác tiếp tục sử dụng vỏ lãi để luồn lách đưa về sâu vào bên trong tiêu thụ.
Ở tỉnh Long An có 2 “điểm nóng” buôn lậu là ở Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường) và Tho Mo (huyện Đức Huệ). Trong đó, Bình Hiệp nhộn nhịp hơn cả. Hàng nhập lậu được các tay nài chẻ nhỏ, chở trên xe gắn máy, rồi luồn lách qua hai bên cánh gà của cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp để vào nội ô thị xã Kiến Tường. Ở Đồng Tháp, vào mùa nước nổi thì các con buôn dùng xuồng máy để chở hàng lậu, do chúng cơ động dễ chạy băng đồng, né tránh được các chốt, trạm kiểm soát trên bờ. Khi nước rút thì chuyển sang đường bộ thẳng tiến. Phần lớn hàng lậu được tập kết bên kia sông Sở Thượng (thuộc Campuchia), sau đó đưa sang sông về bến đổ ở các xã ven biên giới.
Theo Cục Hải quan TPHCM, trong 11 tháng đầu năm 2018, đơn vị đã phát hiện và lập biên bản xử lý 1.234 vụ vi phạm, với giá trị hàng hóa ước tính hơn 529,3 tỷ đồng. Hàng nhập lậu, hàng gian, hàng giả được phát hiện chủ yếu là sản phẩm điện tử, điện lạnh. “Hiện chúng tôi chưa thống kê đầy đủ tổng số vụ vi phạm phát hiện, xử lý trong tháng 12-2018. Tuy nhiên, qua báo cáo nhanh và công tác đánh giá tình hình cho thấy số vụ vi phạm trong tháng cuối năm tăng cao so với tháng trước và cùng kỳ; đặc biệt là số vụ vi phạm liên quan đến hàng nhập lậu, vận chuyển hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ từ nước ngoài vào Việt Nam”, đại diện lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM cho biết. |
Ở một số tuyến đường cửa ngõ khác của TPHCM như quốc lộ 22 (huyện Củ Chi), tỉnh lộ 10 (huyện Bình Chánh)… tình trạng vận chuyển hàng lậu cũng âm thầm diễn ra.
Bên trong nội thành TPHCM, hàng lậu, hàng không xuất xứ bày bán tràn lan. Tại cửa hàng rượu T.Hà trên quốc lộ 50 (gần Bến xe quận 8) trưng bày rất nhiều rượu ngoại, trong số này có nhiều chai không dán tem nhập khẩu. Khi khách hàng thắc mắc, nhân viên ở đây công khai cho biết là hàng xách tay và giá bán thấp hơn giá hàng nhập chính thống. “Cùng loại rượu, cùng nhãn hiệu, chỉ khác nhau cái tem trên nắp. Nếu anh mua tem Campuchia giá sẽ thấp hơn 15%”, nhân viên cửa hàng này cho biết.