Tết năm nào cũng theo ba má đi giáp vòng chúc tết họ hàng, bà con chòm xóm. Nhà nào cũng có khay bánh mứt, hạt dưa và trong mấy ô của khay mứt thế nào cũng có chút mứt gừng. Tất nhiên phần đó chỉ mời ba má tôi, còn tôi thì lắc đầu lia lịa vì chỉ thích mứt me chua chua, hạt sen bùi bùi, hay cắn hạt dưa, hạt bí thôi.
Tết và mấy ngày sau tết, tiết trời thường lạnh hơn, sáng sớm và chiều tối gió thổi nhiều, má lại pha sẵn bình trà nóng, dĩa mứt gừng trong nhà, để dành ăn cho ấm bụng. Hễ ai trong nhà ớn lạnh, thấy người muốn cảm là nội với má lại kêu nhai miếng mứt gừng; ăn không tiêu cũng mứt gừng mà “quất”...
Dường như, mứt gừng hữu hiệu đến “đa-zi-năng”. Mà không chỉ với nhà tôi, thỉnh thoảng chú Ba hàng xóm cũng sang xin ít mứt gừng nhai cho ấm bụng để đi ruộng cữ sáng sớm. Mấy bận lên thành phố thăm con trai, chú Ba cũng xin ít mứt gừng lận lưng theo lên xe đò nhai để chống say xe.
Mứt gừng, gừng tươi má tôi luôn để sẵn trong nhà, theo lời má thì nó nhiều công dụng, nhưng hơn hết là trong nhà có người lớn nên thủ sẵn hũ mứt gừng cho ông bà nhai ấm bụng. Miếng mứt tròn tròn, dẹp dẹp, bên ngoài chỉ ngọt chút xíu, nhai thì cay cay đầu lưỡi vậy mà tết là không thể nào thiếu, hàng xóm quý nhau lắm cuối năm biếu hũ mứt gừng…
Sau này, bác tôi ở xa về, cũng hỏi bằng được miếng mứt gừng. Trong mắt bọn con nít chúng tôi hồi đó thiệt tình không hiểu sao người lớn lại thích mứt gừng.
Khi tôi vào đại học, má sắp xếp đồ đạc, cẩn thận nhét vào vali hũ mứt gừng rồi dặn: “Đem theo, lỡ nửa đêm nửa hôm đau bụng thì có mà nhai”. Hay mỗi lần về thăm nhà, nội lại dặn má: “Bây nhớ bỏ mứt gừng cho nó đem theo, phòng hờ…”. Không chỉ là bài thuốc dân gian, mứt gừng quê tôi còn là sự chắt chiu tình cảm của nội, của má cho sắp nhỏ xa nhà đi làm, đi học.
Sau ngày ông tôi mất, tết nào bà cũng để trên bàn thờ ông dĩa mứt gừng cùng ly trà nóng mỗi sáng sớm. Bà nói: “Cái nghĩa muối mặn gừng cay là vậy đó”. Miếng mứt nhà quê, dễ làm, gừng gọt vỏ sạch, cắt thành miếng mỏng rồi sên với đường là thành mứt gừng, mà ngọt thì ít, cay thì nhiều nhưng đong cả cái tình cái nghĩa một đời người.
Tết vừa rồi, tôi cũng kịp lựa cho má hũ mứt gừng ngoài siêu thị, đặt lên bàn thờ nội dĩa mứt ngay ngắn và tôi cũng… bắt đầu thích ăn mứt gừng. Có lẽ khi đủ lớn, đủ hiểu sự đời, người ta không còn thấy mứt gừng cay như hồi con nít, mà thay vào đó là mứt gừng nồng ấm một vị tết sum vầy, thương nhau cái nghĩa “gừng cay muối mặn” của người Nam bộ.