° Sau lần công diễn đầu tiên rất thành công vào năm 2015, vở múa đương đại kết hợp với âm nhạc dân tộc Nón sẽ tái ngộ khán giả TPHCM trong hai đêm diễn vào ngày 26 và 27-7 lúc 20 giờ tại Idecaf (28 Lê Thánh Tôn, quận 1). Được xây dựng từ ý niệm trời tròn đất vuông - vốn là biểu tượng của bánh giầy, bánh chưng - thể hiện sự kết nối hoàn hảo của âm - dương, tín ngưỡng của người Việt, trong lần trình diễn này, Nón vẫn giữ sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa múa đương đại và dòng chảy giai điệu đặc biệt được biểu diễn hoàn toàn mộc gồm: Chiêng dây (hiện chỉ có 2 cây đàn tại Việt Nam), đàn tính, đàn môi 3 lá, đàn môi 1 lá, đàn bầu và hát. Năm nay, nhạc sĩ Ngô Hồng Quang sẽ mang đến ca khúc hoàn chỉnh mang tên Về đồi non với phần ca từ, giai điệu chỉn chu. Tại Nón 2016, biên đạo Vũ Ngọc Khải còn áp dụng phương thức 50 - 50 (50% sắp đặt - 50 % ngẫu hứng) so với tỷ lệ 70 - 30 trước đây, nhằm phát huy yếu tố mở vào quá trình biểu diễn. (VĂN TUẤN)
° Người hùng tí hon mùa 2 khai phá khung giải trí vàng của HTV7. Theo đó, chương trình sẽ được phát sóng vào lúc 19 giờ thứ bảy hàng tuần, bắt đầu từ 23-7 trên kênh HTV7. Năm nay, chương trình có sự thay đổi lớn với 3 vị giám khảo là biên đạo múa John Huy Trần, ca sĩ Cẩm Ly, nghệ sĩ Đại Nghĩa với tiêu chí hàng đầu của chương trình là tạo sân chơi cho thí sinh và để các em được sống đúng với lứa tuổi của mình, ban tổ chức đã mở rộng phạm vi tuyển sinh toàn quốc. Chương trình lần này xuất hiện những tài năng nhí nổi bật như Thanh Hà - diễn viên nhí nhỏ tuổi hay Minh Châu, Bảo Ngọc - cặp đôi mới của làng múa Việt Nam, cùng những gương mặt đang được quan tâm như Tin Tin, A Pù… Bên cạnh đó, Ốc Thanh Vân cũng thay thế Ngô Kiến Huy đảm nhận vai trò MC chương trình. Đây là chương trình tìm kiếm tài năng dành cho trẻ em từ 4 - 14 tuổi trong lĩnh vực ca hát, nhảy múa và tài năng đặc biệt, với tổng giá trị giải thưởng mà các đội chơi có thể nhận được lên đến 1 tỷ đồng. (KHẮC THI)
° Cờ vây, quản lý, cuộc đời là chủ đề của cuộc giao lưu sẽ diễn ra tại Đường sách TPHCM chiều ngày 22-7. Buổi giao lưu sẽ giới thiệu bản dịch tiếng Việt tác phẩm Le Manager - Joueur de Go của hai tác giả Jean Christian Fauvet và Marc Smia và chia sẻ kinh nghiệm của hai diễn giả về những ứng dụng của cờ vây trong công việc quản lý cũng như trong cuộc sống. Cờ vây là trò chơi chiến thuật cổ xưa của ngươi phương Đông. Cờ vây bắt đầu từ bàn cờ trống, hai bên ngươi chơi cùng xây dựng nên lãnh thổ của mình và mục đích sau cùng là giành vùng ảnh hưởng rộng hơn đối phương. Buổi giao lưu còn có sự tham dự của TS David Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Người Việt Nam tại Singapore; kỳ thủ Lê Mai Duy, HLV cờ vây TPHCM, 5 lần vô địch cờ vây Việt Nam; dịch giả Phạm Việt Khôi, tốt nghiệp thạc sĩ ở Pháp, hiện đang làm việc tại Việt Nam. (XUÂN THÂN)