Non nước đời anh

Mùa hè 1967, giữa lúc chiến trường miền Nam rộn vang tin chiến thắng, lực lượng ta không ngừng lớn mạnh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ra Hà Nội để báo cáo với Bác Hồ và Bộ Chính trị về tình hình chiến trường cũng như hoạch định kế hoạch cho cuộc Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968. 
Đau xót thay, ngày 6-7-1967, trước khi trở lại chiến trường, trái tim Đại tướng đã ngừng đập sau một cơn đau đột ngột, để lại một niềm đau thương vô hạn cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. 
Non nước đời anh ảnh 1
Nhà thơ Tố Hữu ngày ấy đã đau đớn viết: “Nước non đau thắt như lòng mẹ/Mất một người con Nguyễn Chí Thanh”. Và Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đau xót thốt lên: “Chúng ta mất một con đại bàng bay trên trời cao, có tầm nhìn xa trông rộng”.
Mới đó đã nửa thế kỷ, hình ảnh một danh tướng văn võ song toàn, một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và quân đội ta như lời nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từng khẳng định: “Đồng chí Nguyễn Chí Thanh mãi mãi là hình ảnh cao đẹp về một người cộng sản Việt Nam, một vị tướng đức tài trọn vẹn, trí dũng song toàn của quân đội ta, một nhà lãnh đạo lỗi lạc của Đảng, một người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại” vẫn còn sâu đậm trong tâm hồn bao đồng chí, đồng bào và đồng đội.
Để tưởng nhớ hình ảnh cao đẹp đó, vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày đi xa của Đại tướng Nguyễn Chí  Thanh, Nhà xuất bản Văn học mới đây đã làm một việc rất ý nghĩa là cho ra mắt tập sách Non nước đời anh bao gồm nhiều bài thơ, bản nhạc, bài viết về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Nổi bật trong tập sách này là những bài thơ, trích đoạn hồi ký của nhà thơ Tố Hữu, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Thống nhất Trung ương, cũng đồng thời là một người bạn  bạn tri âm tri kỷ trên con đường cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Những câu thơ ngày ấy của ông viết về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh như “Đưa tiễn anh đi mấy dặm đường/ Nặng tình đồng chí lại đồng hương” hay “Anh vẫn là Anh những sớm trưa/ Của quê hương, dãi nắng dầm mưa/ Đẩy cày cách mạng, vai không mỏi/ Gặt mấy mùa vui, vẫn muối dưa...” vẫn còn lay động trong tâm trí biết bao người dù nửa thế kỷ đã trôi qua.
Nay Non nước đời anh được tái bản đã có thêm nhiều niềm xúc động mới của lớp độc giả trẻ tuổi. Cùng thơ của nhà thơ Tố Hữu, là những vần thơ xúc động của các nhà thơ đồng thời cũng là những lão thành cách mạng như Trần Bạch Đằng, Bảo Định Giang... những người lính từng ra trận khi Đại tướng là Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam như nhà thơ - người lính Châu La Việt. Bài thơ Gió đại phong vẫn thổi của Châu La Việt từng được chọn đăng trên Báo Nhân dân những năm trước đây là một bài thơ hay viết về Đại tướng, là tiếng thơ của một thế hệ mới kế tục những nhà thơ lớp trước viết về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh:
Kiến Giang ơi vẫn xôn xao dòng sông
Nhớ đêm Anh chèo đò miệng ngọt ngào câu hát
Tướng và Dân cùng chung nhịp tim đập
Sông như lòng gương tỏa sáng đến mai sau…
 
Tên Anh thành truyền thuyết, ca dao
Trong lời người dân gian, trong câu ca mộc mạc
Gió Đại Phong truyền khắp miền đất nước
Hóa thành cơn bão táp những ruộng đồng
Cũng trong tập sách này, còn những phóng sự, bút ký, tùy bút của những cây bút tên tuổi như nhà báo Phan Quang, nhà thơ Hoàng Cầm, nhà phê bình Ngô Vĩnh Bình, nhà văn Trần Công Tấn, nghệ sĩ Khắc Tuế và cả ghi chép cuộc gặp gỡ của nhà thơ Hồng Thanh Quang với chị Nguyễn Thanh Hà - người con đầu lòng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Bằng tiếng nói văn học, các bài viết đều đã khắc họa hình ảnh rất đẹp của Đại tướng, làm lung linh lên biết bao những kỷ niệm dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, tiếp tục làm rung động sâu sắc người xem hôm nay.
Một phần nội dung rất đáng kể của tập sách chính là 10 bài hát ngợi ca về Đại tướng của các nhạc sĩ tên tuổi như nhạc sĩ: Văn Dung (người từng viết Những bông hoa trong vườn Bác), Thiếu tướng An Thuyên, Thiếu tướng Đức Trịnh, Nghệ sĩ nhân dân - Đại tá Nguyễn Tiến, Nghệ sĩ ưu tú - Đại tá Minh Quang, Quỳnh Hợp, Vũ Huy Tiến... Tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Nhà xuất bản Văn học cho biết: “Sách về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sẽ được tặng cho nhiều đơn vị quân đội, vì thế chúng tôi cho in nhiều bài hát về Đại tướng. Những bài hát ấy không chỉ làm tập sách thêm phong phú về nội dung, mà còn thiết thực để anh em các đơn vị nơi biên giới, hải đảo xa xôi dùng trong các buổi biểu diễn. Đây đều là những bài hát hay, đi vào lòng người”.
Cảm ơn những người làm sách đã tái tạo chân thật và rất đẹp hình tượng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh dù nửa thế kỷ đã trôi qua, để chúng ta thấy ông luôn hiện diện trong sự nghiệp cách mạng hôm nay!

Tin cùng chuyên mục